PDA

View Full Version : Chuyển USD sang VND để hạ lãi suất cho vay


jerry.chang
03-07-2012, 02:23 PM
Việc ngân hàng chuyển đổi USD sang VND cho vay với lãi suất 15% - 16%/năm sẽ có lợi hơn. Đến giờ đã có khoảng 6 - 7 ngân hàng ủng hộ thực hiện việc chuyển đổi này.
Một thực tế của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là 60% - 70% vốn sản xuất kinh doanh dựa vào ngân hàng. Nhưng vấn đề lãi suất trong tình trạng hiện nay đang gây khó khăn cho rất nhiều DN, nhất là những DN nhỏ và vừa. DN “khát” vốn nhưng không dám vay vì lãi suất cao, phải đối diện với sự sống còn.

Phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, về các vấn đề liên quan đến ngân hàng – vốn – DN.

Thưa ông, với lãi suất cao hơn 20%, DN không dám vay vốn vì lợi nhuận sản xuất kinh doanh không bằng lãi suất ngân hàng. Đây là vấn đề nóng từ đầu năm đến nay, chẳng lẽ ngân hàng không có động thái giải quyết gì?
6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tập trung quyết liệt thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm là: kiểm soát tăng trưởng tín dụng không được vượt quá 20%; giảm dần dư nợ cho vay phi sản xuất xuống dưới 22% (thời điểm 30-6) và đến cuối năm còn dưới 16%; quản lý thị trường ngoại hối, vàng ổn định; ổn định và đảm bảo an toàn trong các ngân hàng; đảm bảo mức lãi suất cho vay hợp lý đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Kết quả thu được rất khả quan.

Cụ thể, vốn huy động trên toàn địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 4,2% so với đầu năm, đạt 840.000 tỷ đồng. Trong đó, huy động vốn VND tăng 5,29%, ngoại tệ tăng 0,94%. Tiền gởi bằng VND cao hơn USD cho thấy hiệu quả của chính sách điều hành giảm lãi suất huy động USD xuống còn 3% nên người dân đã chuyển đổi USD sang VND để gởi với lãi suất cao hơn.

Như ông nói, vốn huy động tăng 4,2% và Nghị quyết 11 cũng hạn chế cho vay phi sản xuất, thế nhưng các DN sản xuất vẫn kêu “khát” vốn, vậy nguồn vốn huy động được đi về đâu?

Vốn huy động tăng 4,2% nhưng tăng trưởng tín dụng đến 6,02% - tương đương 46.000 tỷ đồng. Nguồn tăng trưởng này tập trung chủ yếu cho sản xuất và kinh doanh với trật tự ưu tiên gồm: sản xuất hàng hóa; xuất khẩu; nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu; tạo nguồn vốn cho các DN nhỏ và vừa; nông nghiệp nông thôn.

Và thực tế, theo báo cáo của các ngân hàng, dư nợ phi sản xuất hiện nay chỉ chiếm khoảng 17% so với tổng dư nợ. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cũng về dưới mức 20%, đáp ứng theo yêu cầu của Nghị quyết 11.

Nhưng thưa ông, liệu những con số tỷ lệ cho vay cũng như tăng trưởng tín dụng có đáng tin không. Vì trước thời điểm 30-6 vài ngày, nhiều ngân hàng có dư nợ lên tới 26%, nhưng đến đúng 30-6 thì đều xuống dưới 20%...

Để có câu trả lời này, chúng tôi sẽ phải thanh tra, kiểm tra. Việc thanh, kiểm tra này đã được chúng tôi đưa vào nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.

USD: huy động được 1 đồng, cho vay đến 18 đồng!

Lãi suất VND quá cao như thế, DN kêu ca với tay đụng được nguồn vốn ngân hàng là điều có thật, đúng không thưa ông?

Như tôi đã nói, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao hơn tỷ lệ tăng vốn huy động. Và thực tế, những tháng đầu năm khi lãi suất VND cao, DN đã chuyển sang vay bằng USD với lãi suất thấp hơn. Vì vậy, con số 6 tháng đầu năm dư nợ bằng VND tăng 1,5%, trong khi dư nợ bằng ngoại tệ tăng đến 18,09%.

Trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ 6 tháng đầu năm tăng chưa đầy 1%, mà dư nợ ngoại tệ tăng đến 18% - gấp 18 lần, điều này sẽ tạo áp lực về tỷ giá. Liệu tỷ giá sẽ “rối” trở lại như trước đây không, thưa ông?

Do nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ của các DN ngày càng nhiều hơn nên trách nhiệm của NHNN hiện nay là làm sao giảm kích cầu về ngoại tệ để giảm áp lực lên tỷ giá.

Vì thế, tháng 5 vừa qua NHNN đã ban hành Thông tư 07 điều chỉnh đối tượng cho vay ngoại tệ của ngân hàng là để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và cho vay ngắn hạn để nhập khẩu.

Theo đánh giá của tôi, nếu làm tốt điều này thì có khả năng giảm đến 30% cầu ngoại tệ, sẽ tránh tạo sức ép lên tỷ giá như trước đây.

Giải “bài toán khó” về vốn cho doanh nghiệp

Thưa ông, sở dĩ vấn đề khiến dư luận bức xúc về lãi suất tăng cao, DN không vay được vốn là do nhiều ngân hàng “xé rào” lãi suất huy động nên đẩy lãi suất cho vay lên cao. Ông giải thích sao về điều này?

Thực tế nhiều ngân hàng vẫn vượt trần lãi suất 14%/năm, huy động tới 18% - 19%/năm đã làm cho lãi suất vay tăng cao. Nhưng ngoài việc lãi suất cao, vẫn còn một nguyên nhân khiến DN nhỏ và vừa không vay được vốn là vì các DN này thiếu bản báo cáo cân đối về tài sản, báo cáo tài chính…

Nhưng với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, NHNN chi nhánh TPHCM phải có trách nhiệm trong việc giảm lãi suất theo đúng quy định và “giải bài toán khó” về vốn cho DN chứ, thưa ông?

Chúng tôi đã có phương án giải bài toán khó này rồi. Để giảm lãi suất cho vay, trên tinh thần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với DN, chúng tôi cũng đã làm việc với một số đơn vị ngân hàng có thế mạnh về kinh doanh ngoại tệ, đề nghị họ mạnh dạn chuyển đổi ngoại tệ sang VND để cho vay với lãi suất hợp lý.

Bởi vì lãi suất USD bị khống chế đầu vào 3%/năm, trong khi lãi suất VND đến 14%/năm, như vậy ngân hàng chuyển đổi USD sang VND cho vay với lãi suất 15% - 16%/năm cũng sẽ có lợi hơn. Đến giờ đã có khoảng 6 - 7 ngân hàng ủng hộ thực hiện việc chuyển đổi này.

Còn việc xử lý những DN thiếu hồ sơ, báo cáo tài chính, thiếu tài sản thế chấp… chúng tôi phối hợp với quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho đối tượng này dễ vay vốn ngân hàng. Thông qua quỹ bảo lãnh, họ sẽ được hỗ trợ vay vốn tốt hơn. Hiện chúng tôi cũng đang đề nghị UBND TP cấp thêm vốn cho quỹ bảo lãnh này.

Xử lý việc ngân hàng lớn “ép” ngân hàng nhỏ!

Tháo gỡ khó khăn về vốn là việc đáng mừng, nhưng để giải quyết căn cơ các vi phạm về lãi suất nhằm kéo giảm lãi suất cho vay, tôi nghĩ cần một giải pháp căn cơ hơn. Ông có kiến nghị, đề xuất gì giải quyết vấn đề này không?

Chúng tôi có một số kiến nghị NHNN tăng cường kiểm soát đối với thị trường 2 (tức là thị trường cho vay lẫn nhau giữa các ngân hàng) cả về số lượng, lãi suất, vì trước đây NHNN không kiểm soát cái này. Có như thế, mới đảm bảo được khả năng hạ lãi suất ngân hàng. Bởi vì nhiều ngân hàng trên thị trường 2 vay lẫn nhau với lãi suất lên tới 27% - 28%.

Do vậy, nếu NHNN không có ý kiến sẽ gây lũng đoạn thị trường. Thời gian qua, mấy ngân hàng lớn không có tăng trưởng tín dụng, chỉ tập trung vào cho vay thị trường 2, lãi rất to và không bị khống chế.

Do các ngân hàng nhỏ chịu không nổi lãi suất này, nên ngân hàng nhỏ mới tìm cách nâng lãi suất huy động lên. Vì vậy mà chúng tôi đề xuất nên kiểm soát cái này, tránh buông lỏng.

Đồng thời, chúng tôi cũng kiến nghị NHNN tăng lãi suất, tăng quy mô, mở rộng cho vay tái cấp vốn đối với ngân hàng nhỏ để bù đắp thanh khoản. Mục đích để NHNN cho vay nhiều hơn đối với ngân hàng nhỏ, tránh tình trạng ngân hàng nhỏ phải vay lãi suất cao ở thị trường 2.

Thống kê của chúng tôi, 6 tháng đầu năm tổng phương tiện thanh toán (tiền phát hành và lưu thông; tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam) ngân hàng do chúng tôi quản lý tăng chưa tới 3%, quá thấp so với Nghị quyết 11 cho phép tới 16%. Như vậy, chúng ta còn có điều kiện để mở rộng cho vay này.

Theo Hàn Ni
SGGP