PDA

View Full Version : Những lý thuyết và công cụ cơ bản của phân tích kỹ thuật


khonggianrieng
04-07-2012, 09:13 AM
Trong phần này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một cách tổng quan các vấn đề cốt lõi của phân tích kỹ thuật. Phương pháp này ra đời vào khoảng hơn một thế kỷ trước, đánh dấu bằng việc Charles Dow sử dụng biến động giá chứng khoán trong quá khứ làm hướng dẫn cho những quyết định đầu tư. Phương pháp này đã được sử dụng phổ biến trong thị trường chứng khoán và thị trường giao sau hàng hóa. Kể từ thập niên 1970, phương pháp này được ứng dụng rộng rãi trong thị trường ngoại hối, đặc biệt là sau khi chế độ Bretton Wood sụp đổ khiến cho mức độ bất ổn của tỷ giá ngày một gia tăng.
Về mặt phương pháp luận thì phân tích kỹ thuật là một phương pháp đối lập hoàn toàn với phương pháp chuỗi thời gian. Phương pháp phân tích chuỗi thời gian dựa trên nền tảng về những biến động ngẫu nhiên của giá cả – điều thường xảy ra trong các thị trường hiệu quả – và do đó người ta sẽ không thể tìm thấy các thông tin hữu ích để dự báo từ việc “đọc” những mẫu hình đồ thị trong quá khứ. Những nhà phân tích kỹ thuật thì tin rằng thị trường về mặt nào đó là không hiệu quả và do đó “nhân loại có thể tìm thấy tương lai trong quá khứ”.

Phương pháp phân tích kỹ thuật dựa trên nền tảng những lý thuyết sau:
° Lý thuyết về chu kỳ thị trường: Lý thuyết cho rằng thị trường có những xu hướng, có xu hướng chính, xu hướng hiện tại và xu hướng phụ với mức độ dài hạn và ngắn hạn khác nhau ứng với từng xu hướng. Và vì có những xu hướng khác nhau như vậy nên thị trường sẽ thường xuất hiện trường hợp đảo chiều xu hướng (trend reversal) và vì vậy hình thành nên đỉnh và đáy của các đồ thị giá. Nhiệm vụ của nhà phân tích kỹ thuật là phải dự đoán được khi nào xu hướng thị trường đảo chiều, đỉnh và đáy ở đâu.

° Lý thuyết thị trường tài chính và chu kỳ kinh doanh: Các nhà đầu tư của thị trường tài chính sẽ có những phản ứng tâm lý khác nhau ứng với các thông tin cơ bản về nền kinh tế đồng thời bản thân họ cũng có những kỳ vọng về triển vọng của nền kinh tế. Vì vậy, nhà đầu tư trên thị trường tài chính đặc biệt quan tâm đến chu kỳ kinh doanh, nhất là giai đoạn mà nền kinh tế không ở trong tình trạng ổn định hoặc cân bằng, vì ở những thời điểm đó họ mới có thể tìm kiếm được lợi nhuận từ giao dịch một cách nhanh chóng. Khi họ nhận thấy nền kinh tế bắt đầu chuyển hướng và từ bỏ một trạng thái này và có xu hướng tiến trở về trạng thái cân bằng (theo lý thuyết này thì nền kinh tế biến động quanh trạng thái cân bằng), họ sẽ có những quyết định mua bán tương ứng ngay lập tức. Nói cách khác, lý thuyết này chỉ ra rằng trên thị trường có những thời điểm quan trọng mà các nhà đầu tư cần xác định để kiếm lời.

° Lý thuyết Dow: đây là lý thuyết lâu đời nhất về xác định các xu hướng chính trên thị trường. Lý thuyết này có sáu nguyên tắc cơ bản. Các nguyên tắc này có thể tóm tắt như sau: thay đổi trong mức giá đóng cửa phản ánh tất cả tâm lý và nhận định về thị trường của các thành viên tham gia; các thị trường đang tăng giá và giảm giá có ba giai đoạn biến động: biến động chính, biến động thứ cấp và biến động phụ; tất cả những dấu hiệu chỉ báo trong các giai đoạn này như đường biểu diễn giá, mối quan hệ giá/khối lượng giao dịch cung cấp các chỉ dẫn hữu ích về việc đảo ngược xu hướng thị trường; và những chỉ dẫn đó sẽ được khẳng định là hữu ích (hay đáng tin cậy) hay không thông qua việc phân tích đường trung bình.

Các công cụ để phân tích kỹ thuật đã phát triển trong hơn một thế kỷ qua, tuy nhiên, để thuận tiện cho việc sử dụng và truyền đạt thông tin, người ta có thể chia ra hai nhóm công cụ sau: nhóm công cụ về đồ thị và cách đọc đồ thị (charting), và nhóm công cụ về qui tắc quyết định (mechanical rules).
Các nhà phân tích kỹ thuật bằng đồ thị thường xác định các đỉnh, đáy và xu hướng của thị trường và điểm đảo ngược xu hướng. Các nhà phân tích này có thể sử dụng các phương pháp mẫu hình đồ thị (chart pattern), các đường xu hướng, đường kháng cự và chống đỡ để dự báo và ra quyết định mua bán. Ngoài ra, hiện nay phương pháp phân tích bằng đồ thị hình nến (candle stick) của người Nhật cũng rất phổ biến.

Trong khi đó, nhóm công cụ về qui tắc quyết định không dựa vào việc “đọc” mẫu hình đồ thị – có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý chủ quan của người dự báo – mà dựa vào các qui tắc chỉ báo về xu hướng như dựa vào chỉ số MACD, RSI, các chỉ số dao động (oscillator), các chỉ số về tỷ lệ mua/bán, khối lượng … Gần đây, một công cụ phân tích kỹ thuật khác đang bắt đầu được sử dụng rất phổ biến là công cụ tính toán số Fibonacci kết hợp lý thuyết sóng Elliot. Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng được các công cụ này bằng phần mềm chuyên dụng MetaStock hoặc các phần mềm phân tích kỹ thuật trực tuyến trên trang web chuyên cung cấp dịch vụ giao dịch qua mạng.