PDA

View Full Version : NĐT chứng khoán đọc sách… chờ thời


tamhungphuoc
04-07-2012, 09:50 AM
Tuy TTCK đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng sách viết về TTCK vẫn “bán chạy như tôm tươi”. Điều đó chứng tó, sự quan tâm vẫn còn ở lại nơi thị trường, dù rằng giờ này khó tìm được người không thua lỗ.
Niềm tin còn ở lại, chứng khoán sẽ phục hồi.
1 Nhà sách Phương Nam - Phú Thọ tầng tầng, lớp lớp là sách. Ngay cửa vào, kệ đầu là cả series về sách chứng khoán. Quái lạ, giờ này sách chứng khoán vẫn được quan tâm thế ư? Cô bé hướng dẫn nhỏ nhẹ: “Bán được chứ. Như cuốn này của Alphabook. Mới ra, bán chạy lắm”.

Tôi cầm trên tay cuốn sách mỏng dính, dạng bỏ túi: “Tâm lý trên TTCK - Thảm họa đầu cơ và sự cuồng loạn của tâm lý đám đông”. Sách thơm mùi mực in. Lật qua vài trang tôi ngỡ ngàng phát hiện ra cuốn sách được viết từ năm 1912. Cách đây cả thế kỷ! Trên trang bìa có dòng bình luận nắn nót của Amazon.com: “Một cuốn sách kinh điển và bất tử với thời gian”.

Thấy vẻ tần ngần của tôi, cô bé vẫy tay trỏ cuốn khác: “Cuốn này chắc hay vì tái bản đến lần thứ 4 - 5 rồi”. Đó là cuốn “Giàu từ chứng khoán” của Jonh Boik viết về phong cách đầu tư của 4 nhà đầu tư lừng danh: Jesse Livermore, Nicolas Darvas, William O’Neil và Bernard Baruch. Đọc rất được, nhưng tôi có lâu rồi. Cuốn “Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường” và “Các trò bịp của phố Wall” tôi chưa có.

Ra quầy tính tiền, tôi liếc qua trang bìa của cuốn mỏng nhất. Rộng hơn lòng bày tay chút xíu mà giá cũng gần 30.000 đồng. Số tiền vài năm trước chỉ mua được một cổ phiếu, giờ mua được cả chục! Sách đắt hơn hay cổ phiếu đang quá rẻ?

2 Rời nhà sách, tôi chợt nhớ cách đây không lâu, bạn tôi vung tay chém vào không khí trong quán cà phê cạnh hồ Con Rùa: “Tôi tính TTCK Việt Nam phải tới khoảng năm 2013 mới có thể bùng nổ trở lại. Mô hình bùng vỡ có 8 giai đoạn. Nó kết thúc bằng sự tuột dốc thê thảm và phải mất rất lâu mới gượng dậy được. Chứng khoán Việt Nam diễn biến giống hệt”. Lúc ấy, tôi thu mình, bối rối nhìn vào ly cà phê đen sóng sánh và tự hỏi làm sao một một kỹ sư xây dựng có thể “chém gió” hùng hồn về TTCK như vậy?

Giờ thì tôi biết. Chắc chắn lúc ấy cậu ta vừa ngâm cứu xong cuốn sách mới của Geogre Soros: “Mô hình mới cho thị trường tài chính: Cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008 và ý nghĩa của nó”. Cuốn tôi cũng vừa tậu trong túi.

Siêu phẩm điện ảnh nổi đình đám lấy bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008: “Wall Strest: Money never sleep” công chiếu tại Việt Nam hồi năm ngoái. Tôi bị ấn tượng bởi cảnh một đám đông xếp hàng chờ tới lượt mua sách và xin chữ ký của Gordon Gekko (nam tài tử kỳ cựu Michael Douglas thủ vai). Đây là con cáo già của phố Wall, lọc lõi mọi mánh khóe khi lăn lộn chốn chứng trường nhiều năm liền.

Nhưng sự nghiệp oanh liệt của Gekko kết thúc khá bi thảm với 8 năm bóc lịch trong tù. Tội danh là giao dịch nội gián. Mãn hạn tù, tay đầu cơ cổ phiếu cự phách này quyết định rửa tay gác kiếm để viết hồi ký. Kết quả, sách bán chạy như tôm tươi. Cái tên Gekko trở nên cực “hot”, thu hút đội ngũ fan hâm mộ hùng hậu!

Đó là trong phim. Còn thực tế, các huyền thoại đương thời như Warren Buffett, Geogre Soros, Peter Lynch, William O’Neil…, nếu quá bộ thăm Việt Nam, sự ngưỡng mộ của cộng đồng đầu tư nội địa liệu có được như “fan-teens” của các siêu sao nhạc Pop, bóng đá bày tỏ “tình yêu” với thần tượng? Rất có thể.

Lý do là quan điểm đầu tư của các NĐT thành công nhất mọi thời đại vẫn đang được nhiều NĐT trong nước coi như kim chỉ nam. Sách về phong cách đầu tư của các huyền thoại sống được một số NĐT gối đầu giường, coi như thánh kinh nơi chứng trường vốn ẩn chứa nhiều cạm bẫy! Sách mới vẫn được xuất bản đều đều và bán khá chạy như cô bé hướng dẫn nói đấy thôi!

3 Mới đây, tôi tới nhà riêng chuyên gia chứng khoán Huy Nam. Ông hồ hởi khoe vừa hoàn thành cuốn “Tài chính chứng khoán qua nhịp cầu Anh - Việt 2”. Cuốn sách bìa cứng gần 300 trang mang tính học thuật cao khi giải thích các thuật ngữ chuyên ngành tài chính - chứng khoán bằng song ngữ. Tra cứu nhưng không khô khan như từ điển, vì nhiều thuật ngữ chuyên ngành tiếng Anh được ông cắt nghĩa và lý giải sinh động, mềm mại. Chắc chắn đây là tài liệu quý với không chỉ học sinh - sinh viên, mà nhiều đối tượng khác, trong đó có cánh báo chí chúng tôi.

Khi ông đang nắt nót viết lời đề tặng, tôi rụt rè hỏi xin ông tập thứ nhất. Lục tìm một hồi trên giá, ông nói đầy tiếc nuối ở nhà đã hết. Hôm trước, qua mấy nhà sách lớn cũng không thấy có. Ông chép miệng nói, chắc phải thảo luận với nhà xuất bản in lại. Ơ, sách tra cứu thôi mà vẫn nhiều người quan tâm nhỉ! Có phải loại dạy bí kíp kiếm tiền trên TTCK như các NĐT khoái đâu?

4 Trên đường, miên man tôi nghĩ về sách cũ vẫn được tái bản và sách mới vẫn được phát hành. Sách chắc cũng giống như chứng khoán, có cầu thì mới có cung. Nhiều người vẫn đang đọc sách chứng khoán. Như vậy, sự quan tâm vẫn còn ở lại nơi thị trường, dù rằng giờ này khó tìm được người không thua lỗ. Niềm tin còn ở lại, chứng khoán sẽ phục hồi.

Theo Giang Thanh

Đầu tư chứng khoán