PDA

View Full Version : Nỗi lo chuyển sàn


phuongdao
04-07-2012, 10:42 AM
Theo Công văn số 163/UBCK-PTTT ngày 10/2/2009 của UBCK NN về việc xử lý các trường hợp không đủ điều kiện niêm yết theo quy định tại Nghị định 14/2007/NĐ-CP, đối với các doanh nghiệp niêm yết tại HoSE có vốn điều lệ dưới 80 tỷ đồng đang có kế hoạch tăng vốn từ các nguồn vốn chủ sở hữu (thặng dư vốn, các quỹ bằng tiền) hoặc phát hành tăng vốn, phải thực hiện đăng ký với UBCK và HoSE. Nếu trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm 8/2/2009 mà không thực hiện kế hoạch tăng vốn như đã đăng ký thì phải chuyển sang niêm yết tại HaSTC.
Không chỉ là thủ tục
Ai cũng biết cơ sở của quyết định chuyển sàn là từ Nghị định 14/2007/NĐ-CP, phân loại các cổ phiếu niêm yết tại Sở có các điều kiện chọn lọc khắt khe hơn Trung tâm. Nhưng ngày 02/01/2009, Trung tâm Hà Nội có quyết định trở thành Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HSE), việc thay tên đổi họ này là từ quyết định số 01/2009/QĐ-TTg, có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra với những doanh nghiệp không đủ điều kiện niêm yết tại Sở? Chúng ta sẽ có hai Sở giao dịch chứng khoán trong khi vẫn chưa có Trung tâm giao dịch chứng khoán nào cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện niêm yết tại Sở chuyển tới. Và thị trường UPCoM (thị trường đăng ký giao dịch) vẫn chưa thành lập xong, vậy các doanh nghiệp không được niêm yết ở Sở, không có Trung tâm để niêm yết sẽ làm gì tiếp theo?
Với vốn điều lệ hiện tại gần 60 tỷ đồng, công ty cổ phần gạch men Thanh Thanh (mã TTC) vừa gửi công văn lên SSC xin gia hạn thời gian tăng vốn đến hết tháng 6 sau hơn 2 năm có mặt tại sàn TP HCM. Nghị quyết Hội đồng Quản trị công ty năm 2008 có kế hoạch tăng thêm 21 tỷ đồng để đạt vốn điều lệ 80 tỷ. Tuy nhiên, theo giải trình của TTC, diễn biến thị trường năm ngoái không thuận lợi nên doanh nghiệp không thể tăng vốn như dự kiến, bằng phương án phát hành riêng lẻ. Giá cổ phiếu TTC từ mức 27.100 hồi đầu năm đến nay đã tuột khỏi mệnh giá xuống còn 8.100 đồng.
Một câu hỏi được các doanh nghiệp trong diện sẽ phải chuyển sàn đặt ra là không chỉ khó về khâu tăng vốn mà còn phương án sử dụng vốn này như thế nào. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp huy động vốn khi chưa thực sự cần thiết. Cách trở về địa lý giữa TP HCM với sàn Hà Nội nếu chuyển đổi, cũng gây trở ngại cho doanh nghiệp. Tâm lý nhà đầu tư bất an có thể bán ra hàng loạt gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, thanh khoản hai sàn khác biệt... là những nỗi lo khác của nhiều doanh nghiệp, một doanh nghiệp niêm yết chia sẻ.
Ứng xử của nhà đầu tư
Việc chuyển sàn có lẽ không tác động trực tiếp tới nhà đầu tư nhiều như các doanh nghiệp. Điều này được lý giải là một thủ tục hành chính thông thường. Vì hiện nay, mỗi nhà đầu tư chỉ được phép mở một tài khoản giao dịch tại một công ty chứng khoán nên sẽ chưa phát sinh nhiều phiền hà. Họ cũng sẽ cảm thông với việc thay vì mở bảng sàn này thì sẽ chuyển sang theo dõi chứng khoán ở sàn khác.
Nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ kém hào hứng đối với các mã phải chuyển sàn do có thể họ gặp khó khăn mới về số cổ phiếu lẻ do lô giao dịch quy định tại sàn Hastc là 100 cổ phiếu trong khi tại Hose chỉ là 10 cổ phiếu. Ai sẽ mua cổ phiếu lẻ này khi mà công ty chứng khoán cũng đang rất khó khăn? Ai sẽ mua vào những cổ phiếu lẻ này khi thị trường vẫn cứ lình xình? Nhà đầu tư lớn thì lại có cái lo về tính thanh khoản cổ phiếu sẽ đổi thay, tính hấp dẫn của cổ phiếu mất đi do“mang tiếng” thuộc diện cổ phiếu “bị di dời”. Vì thế, sự bán tháo một số cổ phiếu họ nắm giữ có thể xảy ra nếu sự kỳ vọng vào tính thanh khoản của hai thị trường đối với họ là khác nhau.
Nhưng những vấn đề đó vẫn chỉ là vấn đề nhỏ, giống như khi Sở giao dịch thay đổi phương thức giao dịch mới, nhà đầu tư cũng đã quen và họ cũng nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi.
Nhà đầu tư trong nước có lẽ sẽ ít nhiều phản ứng, nhưng là những phản ứng nhẹ như việc họ vốn quen với những thay đổi đột ngột này. Những quy định cho phép hoặc không cho phép đã nhanh chóng trở thành những tiền lệ trên thị trường tài chính của chúng ta.
Còn các nhà đầu tư nước ngoài nghĩ gì? Họ sẽ phải lường trước việc chuyển sàn vì điều đó ảnh hưởng tới kế hoạch hoạt động đầu tư của họ. Việc chuyển sàn, với ai đó chỉ là thủ tục hành chính nhưng với họ có thể là những tác động tới tiến trình giải ngân hay thu hồi vốn đầu tư trên thị trường. Nhưng họ cũng sẽ bất ngờ khi HaSTC trở thành HasE chỉ cách vài ngày sau quyết định chuyển sàn của các doanh nghiệp. Một thị trường tài chính với nhiều dấu chấm hỏi sẽ khó mà thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục trở lại khi mà còn có nhiều thị trường trên thế giới cũng rất tiềm năng do đã suy giảm sâu sau ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính.
Dẫu sao thì văn bản cũng đã ban hành, chỉ còn chờ thực hiện mà cái khó vẫn đang nằm ở đó. Đừng nghĩ chuyến sàn chỉ là thủ tục hành chính nhất là trong giai đoạn còn nhiều vấn đề phải lo hơn là chuyện chuyển sàn.


Ông Nguyễn Tuấn - Phó Phòng phân tích và dự báo CTCK An Bình: Giúp thanh lọc cổ phiếu tốt
Có thể thấy, đây là việc làm cần thiết trong lộ trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán bước 1, thực hiện vào đầu năm 2010. Tuy nhiên, trên thực tế, tâm lý ở nhà đầu tư là đối với cổ phiếu bị chuyển sàn sẽ bị ảnh hưởng. Niềm tin của cổ đông vào doanh nghiệp chuyển sàn ít nhiều bị suy giảm, trong khi tính thanh khoản của sàn HaSTC thấp hơn sàn HoSE. Việc các doanh nghiệp phải chuyển sàn niêm yết từ HoSE sang HaSTC chỉ là do vấn đề tài chính của công ty không đủ điều kiện niêm yết mà thôi. Vì thế, nhà đầu tư không có gì phải lo ngại khi giao dịch những cổ phiếu bị chuyển sàn này. Việc làm này sẽ giúp thanh lọc hàng hóa trên sàn HoSE. Như vậy, nếu việc này được thực hiện thì sàn HoSE sẽ tồn tại những hàng hóa tốt, góp phần thu hút dòng vốn quốc tế, tăng tính thanh khoán cho thị trường.

Ông Phan Huỳnh Khánh - nhà đầu tư tại sàn VNS: E ngại giảm tính thanh khoản
Nếu theo quy định này, điều chúng tôi lo nhất là nếu không có sự thay đổi linh hoạt trong quy trình, thủ tục thì doanh nghiệp sẽ rất khó để chuyển sàn, hoặc do không đáp ứng đủ yêu cầu của sàn mới, hoặc khoảng thời gian dài chuyển sàn sẽ khiến cho cổ phiếu đó ngừng giao dịch trong một thời gian để hoàn tất thủ tục. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho những nhà đầu tư (NĐT) như chúng tôi do tính thanh khoản bị giảm sút.Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi xuống, tính thanh khoản bị giảm mạnh thì việc linh hoạt trong yêu cầu thủ tục chuyển sàn, thuận tiện cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý và dựa trên cơ sở quyền lợi của NĐT là điều mà chúng tôi mong đợi.


Thu Phương