PDA

View Full Version : Giải mã cú đảo chiều bất thường của VN Index


tandinhthanh
04-07-2012, 10:44 AM
Có rất nhiều ý kiến khác nhau lý giải nguyên nhân đợt suy giảm ngoài dự liệu này.



Các chỉ số chứng khoán tập trung tưởng như đã bước vào chu kỳ tăng điểm mới khi chuẩn bị bước sang tháng cuối cùng của năm 2009, thì đột ngột đảo chiều giảm điểm mạnh trong một vài phiên gần đây. Có rất nhiều ý kiến khác nhau lý giải nguyên nhân đợt suy giảm ngoài dự liệu này. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia phân tích, nhằm đi tìm câu trả lời xác đáng.


"Kỳ vọng VN-Index xoay chiều"


Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC)


Thị trường giảm mạnh hai phiên giao dịch đầu tuần dù không có thêm bất cứ một tin xấu nào mới xuất hiện. Các lý do khả dĩ giải thích cho sự mất điểm của thị trường đều đã cũ: NHNN tiếp tục phát đi tín hiệu hạn chế tăng trưởng tín dụng, sự biến động trên thị trường tiền tệ khi VND tiếp tục yếu đi, thị trường vàng nổi sóng …


Theo tôi, sự giảm điểm của thị trường có hai lý do chính. Thứ nhất, hiện tại, môi trường kinh doanh và đầu tư chưa rõ ràng khi các thông tin chính sách tỏ sự không chắc chắn: NĐT băn khoăn không rõ trong giai đoạn hiện tại các chính sách hướng tới mục tiêu tăng trưởng hay kiềm chế lạm phát. Vì sự không chắc chắn này nên nhiều NĐT chọn giải pháp đứng ngoài thị trường.


Thứ hai, lý do khá đơn giản, sau 8 tháng tăng trưởng liên tục, sự điều chỉnh của VN-Index là tất yếu. Ngoài lý do trên, tôi không thấy bất cứ một lý do gì đáng quan ngại về thị trường trong giai đoạn hiện tại: lạm phát không phải là vấn đề đáng lo ngại, VND yếu đi nhưng đã nằm trong tầm dự liệu của mọi người, thị trường vàng biến động nhưng là tất yếu khi đồng USD yếu đi…


Trước mắt, vấn đề tín dụng thắt chặt sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, hiện đã là cuối tháng 11, sang đầu năm 2010 các ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tín dụng mới.


Theo dự báo của HSC, năm 2010 thị trường sẽ ổn định hơn năm 2009. Một động lực tiềm tàng cho VN-Index là các TTCK lớn trên thế giới đều có sự bứt phá. Các đầu tàu kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ hay Trung Quốc đều sự tăng trưởng cao hơn dự kiến. Đây là cơ sở quan trọng chứng minh sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và kỳ vọng VN-Index xoay chiều.


"Cơ hội sinh lợi cho những NĐT trung và dài hạn đang rất lớn"


Ông Ngô Thanh Phát, Trưởng phòng Phân tích và Quản lý rủi ro, CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS)


Chỉ sau 3 phiên giảm điểm, VN-Index đã bị trả về mức 527,13 điểm, thị trường giao dịch trong điều kiện khối lượng và giá trị chứng khoán chuyển nhượng sụt giảm mạnh. Có thể thấy những phản ứng tiêu cực này do 2 nguyên nhân sau:


Thứ nhất, các chỉ số chứng khoán đã giảm sâu trong thời gian từ cuối tháng 10 kéo dài đến đầu tháng 11, điều này đã tạo nên tâm lý sợ hãi của khá nhiều NĐT, đồng thời cũng làm giảm đi đáng kể một lượng tiền vào thị trường. Đợt phục hồi vừa qua chưa đủ độ dài về mặt thời gian để củng cố niềm tin của các NĐT. Trong tình trạng đó, trên thị trường lại xuất hiện những tin đồn không mấy tích cực xoay quanh vấn đề T+, điều này đã trực tiếp tạo thêm sự bất ổn trong tâm lý của các NĐT.


Thứ hai, mặt dù chỉ số CPI trong 10 tháng đầu năm tăng khá thấp, nhưng việc giá vàng, giá dầu cùng một số mặt hàng khác đang tăng lên khiến nhiều NĐT tỏ ra quan ngại trước nguy cơ lạm phát tái diễn. Ngoài ra, việc tỷ giá VND/USD được điều chỉnh tăng trong hệ thống ngân hàng và thị trường tự do đã gián tiếp củng cố những quan ngại trên của các NĐT trên thị trường.


Có thể nói, việc ổn định hay biến động của TTCK Việt Nam hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào 2 yếu tố chính là tâm lý và dòng tiền. Trong khi một số kênh đầu tư khác vẫn còn đang thiếu hấp dẫn, thì chứng khoán vẫn được xem là kênh có khả năng hấp thụ mạnh lượng tiền từ nhiều nguồn khác nhau của nền kinh tế.


Dễ thấy, ở những mức giá hiện tại, thị trường cho thấy cơ hội sinh lợi cho những NĐT trung và dài hạn đang rất lớn. Tuy nhiên, do đặc điểm thị trường còn nặng về tâm lý, nên việc xuất hiện các tin đồn không xác thực sẽ dễ tạo nên những phản ứng tiêu cực dây chuyền ở nhiều NĐT.


Để giảm bớt tác động tiêu cực của những loại tin đồn không xác thực, cơ quan quản lý cần có những biện pháp ngăn ngừa, đồng thời nghiêm trị và xử lý kịp thời đối với những đối tượng đã lợi dụng hiện tượng tâm lý của thị trường để trục lợi. Bên cạnh đó, các NĐT cũng cần thận trọng, có biện pháp tự bảo vệ mình.


"Dòng tiền bị nghẽn"


Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCK APEC


Có nhiều lý do khiến TTCK điều chỉnh khá sâu. Thị trường BĐS trầm lắng trở lại đã ảnh hưởng đến các cổ phiếu BĐS, vốn luôn là nhóm tạo ra điểm tựa đáng kể cho thị trường trong thời gian qua.


Sự "méo mó" của tỷ giá ngoại tệ, nhất là USD/VND trên thị trường chợ đen so với các ngân hàng cũng tác động đáng kể để sự sụt giảm của TTCK. Tuy nhiên, một lý do quan trọng khiến thị trường nhiều phiên chìm trong sắc đỏ, là tâm lý e ngại dòng tiền bị chặn sau khi NHNN yêu cầu các NHTM không được cho vay với lãi suất thoả thuận để đầu tư vào BĐS và chứng khoán.


Việc các CTCK dè dặt hơn trong cho vay đòn bẩy tài chính cũng đang tác động tiêu cực đến dòng tiền cho thị trường. Thị trường chưa thể hiện xu hướng rõ rệt trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy không phải không có cơ hội đầu tư. Với tiền túi của mình, NĐT có thể tính đến việc nắm giữ cổ phiếu của những công ty có giá trị cốt lõi vững chắc, triển vọng kinh doanh khả quan.


"Hy vọng ở tháng 12"


Ông Trần Thiên Hà, Tổng Giám đốc CTCK An Phát


Quan sát thị trường cho thấy NĐT tổ chức đang "nghỉ ngơi" và chưa có dấu hiệu quay lại thị trường. Với họ, đây là thời điểm bảo toàn lợi nhuận quan trọng hơn là kiếm lời.


Không may cho TTCK khi điều chỉnh đúng vào thời điểm các NĐT tổ chức đang rục rịch tính toán lỗ lãi với nỗ lực làm "đẹp" kết quả kinh doanh quý IV/2009, nên khiến cho thị trường hụt cầu.


Một lý do nữa khiến TTCK điều chỉnh sâu là nhiều NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính đã hết kiên nhẫn, nên áp lực bán tháo đang khá rõ. Họ tin tưởng thị trường sẽ tốt lên, nhưng chẳng thể đợi đến "thời thái lai" khi món nợ đòn bẩy tài chính ngày càng "phình" to. Điều này lý giải tại sao mỗi khi thị trường có dấu hiệu quay đầu là lập tự bị gục ngã do áp lực cắt lỗ rất lớn.


Hơn nữa, ở một thị trường mà NĐT nhỏ lẻ chiếm đa số như TTCK Việt Nam, thì chuyện thị trường tăng hay giảm thái quá là khó tránh khỏi. Trong bối cảnh như vậy, NĐT cần bình tĩnh chọn "hàng" xịn trước khi quyết định giải ngân ở mức vừa phải, để đón đầu cơ hội trong tháng 12, khi mà hy vọng TTCK phục hồi sẽ xuất hiện sau một thời gian tích luỹ.


Lúc đó, giá cổ phiếu sẽ thực sự hấp dẫn, cộng với kết quả kinh doanh quý IV sắp công bố và nhất là tâm lý đón đầu tác động của các chính sách mới đối với thị trường trong năm 2010, sẽ tiếp sức cho thị trường định hình một xu hướng mới.


"Tâm lý mong manh"


Giám đốc phân tích một CTCK tại TP. HCM


Thị trường đột nhiên có phiên giảm điểm mạnh vào đầu tuần. Sau đó, anh em chứng khoán chúng tôi ngồi lại thì thấy không có một lý do nào thuyết phục cho việc giảm điểm mạnh. Nếu nói là tin đồn xử lý các tài khoản bán chứng khoán ngày T+2 thì NĐT phải mừng mới đúng, vì nó đảm bảo công bằng hơn cho số đông.


Thời điểm này, nếu thị trường lình xình thì hợp lý nhưng bán ra ào ào khiến VN-Index giảm gần 20 điểm thì không thuyết phục.


Giải thích cho lý do thị trường giảm điểm, người ta cũng nhắc nhiều đến văn bản của NHNN nhắc các NHTM hạn chế cho vay phi sản xuất. Điều này đến nay cũng khó tác động thực chất đến thị trường. Hầu hết ngân hàng đều đảm bảo room cho vay chứng khoán. Trước khi có các văn bản chính thức thì đã có chủ trương ngầm và các ngân hàng đã thực hiện siết cho vay ở lĩnh vực chứng khoán rồi.


Cả hai nguyên nhân trên chỉ là lý do về mặt hình thức để giải thích cho sự sụt giảm của thị trường. Thực sự có lẽ vẫn là tâm lý mong manh có tính bầy đàn trên thị trường.


"Gục ngã vì tin đồn"


Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC


Trên thị trường bây giờ có khái niệm tin đồn nhưng hành động thật. Vừa có tin về việc xử lý các CTCK, các tài khoản bán khống là thị trường đã có hiệu ứng bán ra. Có thể nói là thông tin quanh việc xử lý các tài khoản bán chứng khoán vào ngày T+2 rất nặng nề như đã phát hiện bản danh sách tài khoản bán T+2, rồi cơ quan điều tra sẽ vào cuộc thu hồi khoản lợi nhuận bất hợp pháp, phạt tội lũng đoạn thị trường…


Tin đó làm cho một số NĐT lo sợ và hành động chạy trước, bán trước. Đối tượng tung tin đồn này nhân đó, đánh xuống cho thị trường xuống luôn. Trong lúc tâm lý NĐT còn chưa ổn định thì tin đồn có tác động rất lớn, cộng thêm diễn biến giảm mạnh trên thị trường khiến nhiều người lo sợ bán theo.


Gần đây, có thể thấy mỗi lần xuất hiện tin đồn là rất nhiều NĐT hành động theo. Ngay cả những NĐT hiểu được bản chất của tin đồn cũng phải hành động theo "tâm lý thị trường". Họ khó mà nắm giữ cổ phiếu khi nhiều người cùng bán.


Theo tôi, tình hình chung thì không có gì quá xấu. Vấn đề là tâm lý của NĐT.



"AVSC vẫn đang mua vào"


Ông Lê Anh Thi, Giám đốc phân tích, Phó tổng giám đốc CTCK Âu Việt (AVSC)


Đầu tuần này, thị trường đón khá nhiều tin tốt: các chỉ số chứng khoán thế giới tiếp tục bứt phá vươn lên đỉnh cao mới trong 13 tháng qua, một số cổ phiếu dẫn dắt thị trường công bố thông tin chốt ngày chia thưởng… Tuy nhiên, hai phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index lại giảm mạnh, khá bất ngờ.


Có thể nói, trong giai đoạn hiện tại thị trường hấp thụ các tin tốt hết sức dè dặt, NĐT đang thận trọng. Sự quan tâm của thị trường chủ yếu hướng tới các thông tin kinh tế vĩ mô hơn là các nhân tố vi mô và diễn biến TTCK quốc tế.


Biến động mạnh trên thị trường vàng và ngoại tệ không chỉ khiến hai kênh đầu tư này trở thành một đối trọng cạnh tranh với đầu tư chứng khoán mà còn gây tác động tâm lý với NĐT về sự bất ổn trong môi trường đầu tư: tín dụng đang bị thắt chặt, áp lực đè nặng lên tỷ giá… Ngoài ra, cũng phải kể đến sức mạnh của các tin đồn được coi là lý do chính khiến phiên giao dịch đầu tuần giảm điểm mạnh.


Vì xu thế giảm giá của VN-Index trong thời gian qua là khá nhanh nên cần theo dõi kỹ diễn biến sắp tới: nếu chỉ số này chưa phá ngưỡng 520 điểm thì xu thế đi lên trung hạn chưa bị đe dọa. Ngược lại, ngưỡng hỗ trợ tâm lý gần nhất của NĐT là tại 500 điểm. Về hoạt động tự doanh, AVSC vẫn đang mua vào một số loại cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, bị bán tháo trong hai phiên giao dịch vừa qua.


Theo Đầu tư chứng khoán
Nguồn cafef.vn