PDA

View Full Version : Nỗi lo thanh khoản


kavina
04-07-2012, 10:44 AM
Nỗi lo lớn nhất của các NĐT về thanh khoản còn lớn hơn cả việc thị trường giảm điểm.



Giá trị giao dịch trên sàn HOSE hiện chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng/phiên, bằng một phần ba so với giá trị giao dịch bình thường trong những phiên thị trường giảm điểm ở các giai đoạn điều chỉnh trước đó. Đây mới chính là nỗi lo của các NĐT, lo hơn cả việc thị trường giảm điểm.


Có hai trường phái lý giải cho tình trạng thanh khoản sụt giảm. Có CTCK cho rằng, giá trị giao dịch thấp là do không có áp lực bán cổ phiếu ở mức giá thấp và bên mua đã sẵn sàng mua mức giá tham chiếu.


Tuy nhiên, CTCK HSC lại cho rằng: "Chúng ta đã chứng kiến những giai đoạn trong đó thị trường giao dịch yếu trước khi bước vào giai đoạn đi ngang thì thị trường sẽ giảm và trong trường hợp này, thị trường đi ngang càng lâu thì nguy cơ thị trường một lần nữa giảm mạnh vào cuối giai đoạn đi ngang càng lớn. Hiện tại, chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng và khuyên các NĐT ngắn hạn nên đứng ngoài thị trường, còn các NĐT trung và dài hạn chỉ nên mua vào các cổ phiếu một cách có chọn lọc".


Vậy cuối cùng bên nào sẽ mất kiên nhẫn trong tình hình mà dự báo là sẽ không có nhiều thông tin vĩ mô tốt hỗ trợ thị trường đi lên, cũng như hy vọng không còn những bất ổn quá lớn kéo thị trường xuống. Bên bán sẽ mất kiên nhẫn bán mạnh ra hay bên mua không muốn chờ đợi lâu hơn và chấp nhận giải ngân ở mức giá cao hơn một chút?


Đằng sau bên bán là kết quả kinh doanh quý IV của DN. Nhiều DN sẽ thực hiện công bố một cách chính thức kết quả kinh doanh rất khả quan đã dự báo từ giữa năm. Nhưng một số DN do bị ảnh hưởng của biến động lãi suất và nhất là tỷ giá, sẽ không có được con số lợi nhuận như kỳ vọng trong quý IV.


Đằng sau bên mua là tâm lý "không việc gì phải vội vàng" khi có rất nhiều cơ hội trên thị trường. Bên mua có vẻ chỉ muốn bắt đầu mua thấp hơn mức giá hiện nay khoảng 10% cho bớt rủi ro. Hơn nữa, khi ngân hàng cũng đang thiếu tiền mặt thì NĐT cá nhân cũng không vội vàng gì mà chuyển tiền mặt thành cổ phiếu.


Đã có ý kiến lo ngại, kết quả kinh doanh quý IV sẽ giúp phân hóa các cổ phiếu, nhưng kết quả kinh doanh được công bố cũng chỉ có tác dụng giúp cổ phiếu tăng được 2 - 3 phiên chứ không qua được ngày T+4. Vì thế, cũng sẽ rủi ro cho bên mua khi hy vọng đánh sóng kết quả kinh doanh quý IV.


Một điểm đáng lưu ý là trong lúc này, ngay cả những cổ phiếu chuẩn bị chốt danh sách để chia cổ phiếu bằng cổ tức hay cổ phiếu thưởng như TDH, ABT… cũng không tăng giá, mặc dù mức giá hiện nay đã tương ứng với P/E khá thấp. NĐT sợ kẹt vốn vào cổ phiếu chia thưởng, phải chờ ít nhất một tháng sau mới có thể giao dịch.


Thanh khoản thị trường sụt giảm trong điều kiện DN thiếu vốn, lượng tiền vay vốn kích cầu vẫn tiếp tục bị rút về. Xem ra, bên mua vốn đã không vội vàng, càng trở nên đủng đỉnh chứ không sốt ruột mà giải ngân. Hãy cùng chờ đợi xem bên nào mất kiên nhẫn trước.

Nguồn cafef.vn