PDA

View Full Version : Chính sách tiền tệ trong xu thế toàn cầu hóa


dwengvn
06-06-2012, 03:30 PM
Toàn cầu hóa trong những năm 1980 có vẻ mang đặc điểm là gây áp lực giảm phát, nhưng hiện nay là yếu tố phức tạp và rất khó dự báo. Sự phát triển mới đây về lạm phát tại các nước công nghiệp và các nước đang phát triển cũng như sự lan truyền áp lực tài chính tại Mỹ đã cho thấy, toàn cầu hóa hiện nay có thể đã bước vào giai đoạn mới.

Việc tiếp tục giai đoạn mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ quốc tế cho các nền kinh tế mới nổi đã làm giảm giá cả các mặt hàng công nghiệp và một số dịch vụ trên toàn cầu, nhưng tăng trưởng kinh tế tại những thị trường này đang gây áp lực tăng giá thực phẩm và nguyên liệu thô sử dụng trong công nghiệp chế tạo. Trên thực tế, lợi nhuận tăng tại các nước công nghiệp là sự gia tăng lạm phát trong nước. Đồng thời, sự gia tăng áp lực tài chính do rối loạn tài chính đã cho thấy, toàn cầu hóa cũng gây ra rủi ro của việc lan truyền nhanh chóng các áp lực tài chính. Trong khi gây áp lực lạm phát, nó cũng lan truyền nhanh các cú sốc tài chính. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau cho các ngân hàng trung ương (NHTW): Liệu NHTW có đủ năng lực để kiểm soát lạm phát trong nước hay không? Cụ thể là, các NHTW nên tiếp nhận và triển khai kỹ thuật nào để tạo thuận lợi cho việc kiểm soát này? Cần quản lý thanh khoản thị trường như thế nào trong ngữ cảnh rối loạn kinh tế quốc tế? Tổng quát hơn, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này đóng vai trò gì?

Đối với mỗi quốc gia, kết quả nghiên cứu cho thấy, toàn cầu hóa không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ (CSTT) trong nước nếu NHTW theo đuổi chính sách ổn định giá cả trong giai đoạn trung hạn. Ngoài ra, việc mở cửa thị trường vốn và thị trường hàng hóa không tác động tiêu cực đến năng lực của CSTT trong nước trong việc kiểm soát lạm phát do lạm phát là một hiện tượng tiền tệ và NHTW có thể kiểm soát được. Dựa trên CSTT hiệu quả, NHTW có thể tự hành động nếu có sự phối hợp hành động với một số NHTW khác, điều này đòi hỏi các NHTW phải tăng cường công tác trao đổi thông tin để có thể phối hợp trong việc điều hành CSTT, nhất là với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như IMF, WB.

Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây, toàn cầu hóa đã đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi phải nghiên cứu những điểm mới của CSTT, thực hiện điều hành CSTT một cách linh hoạt hơn, nhất là trong quan hệ với tỉ giá và cải cách tài chính nhằm duy trì ổn định giá cả. Hơn nữa, sự phát triển gần đây như khủng hoảng tín dụng nhà ở và đổ vỡ một số ngân hàng đầu tư tại Mỹ đã cho thấy, rủi ro lan truyền rất nhanh. Vì vậy, CSTT phải linh hoạt nhằm thích ứng với những thay đổi về cơ cấu kinh tế thực và thực tế toàn cầu hóa thị trường tài chính. Tính linh hoạt ngày càng tăng của CSTT là cần thiết nhưng cần được áp dụng đúng nguyên tắc và thận trọng, đảm bảo ổn định giá cả và tránh gây rối loạn đối với nền kinh tế. Ngoài ra, NHTW còn phải thực hiện những mục tiêu cụ thể khác như hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm việc làm cho người lao động với tỉ lệ thất nghiệp cho phép, cân bằng cán cân thanh toán.

Để có thể tăng tổng cầu một cách bền vững, các chính phủ cần đảm bảo là, việc điều hành của họ không tác động đến mức tín nhiệm và khả năng thanh toán quốc gia. Vì thế, cần có NHTW tin cậy để có thể duy trì lạm phát mong muốn bằng cách sử dụng các nguồn chính thống để chống khủng hoảng, cần có mức dự trữ thích hợp để trang trải các khoản thanh toán nợ quốc tế và cung cấp tài chính cho hoạt động thương mại quốc tế. Tỉ trọng nợ dưới dạng USD thấp sẽ giúp NHTW linh hoạt hơn trong việc giảm giá nội tệ để tăng cường năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc giảm giá nội tệ có thể sẽ không thành công tùy theo qui mô và mức độ suy thoái, cụ thể là trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu gần đây, khi đó các nước giàu cũng gặp khó khăn và phải hạn chế nhập khẩu.

Một phản ứng chính sách thích hợp sẽ phụ thuộc vào đặc điểm và qui mô của khủng hoảng. Trong đó, khủng hoảng hệ thống toàn cầu có thể làm giảm mạnh các dòng vốn vào các nền kinh tế mới nổi với thời gian vài tháng (như trường hợp khủng hoảng tại Mêhicô) đến vài năm (như tại Nga phải mất 5 năm mới trở lại trạng thái ban đầu), dòng vốn chậm phục hồi sẽ làm tăng rủi ro cho tính thanh khoản và quốc gia có thể sẽ gặp khó khăn về thanh toán.

Trong bối cảnh hiện nay với nhiều biến động quốc tế phức tạp và khó dự báo, ổn định giá cả là mấu chốt, theo đó mục tiêu lạm phát cần được coi là hạt nhân của CSTT hiệu quả. NHTW cần xác định mục tiêu rõ ràng về ổn định giá cả, góp phần đạt được những mục tiêu khác như tăng trưởng bền vững và tạo thêm nhiều việc làm. Sự lựa chọn phổ biến là xác định dải lạm phát, trong đó cần nhấn mạnh trọng tâm hoặc mục tiêu trọng tâm trong dải lạm phát. Cũng có thể không cần theo đuổi mục tiêu lạm phát rõ ràng, nhưng phải xác định rõ mức lạm phát thích hợp với ổn định giá cả, mục tiêu lạm phát này phải phù hợp với điều kiện Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể. Việc lựa chọn chính sách để đạt mục tiêu cần được xem xét trước, trong đó có tính đến tác động trễ đối với lạm phát khi thay đổi công cụ và liều lượng CSTT. Vì thế, dự báo lạm phát của NHTW có tầm quan trọng hàng đầu, là cơ sở để đưa ra khung khổ thống nhất để xác định những yếu tố thích hợp nhất.

Đối với Việt Nam, cuối năm 2008 cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, áp lực giảm phát bắt đầu xuất hiện, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh và GDP đạt thấp. Để phục hồi kinh tế, chủ động ngăn ngừa lạm phát và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN đã thực hiện CSTT nới lỏng theo hướng giảm các mức lãi suất chủ đạo (lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu), đồng thời điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với VND nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường nguồn vốn huy động, đáp ứng nhu cầu mở rộng tín dụng cho nền kinh tế. Theo đó, lãi suất cơ bản giảm từ 14% xuống còn 13%/năm kể từ ngày 21/10/2008 và ngày 05/12/2008 chỉ còn 10%, lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh giảm từ 15% xuống còn 14% kể từ ngày 21/10/2008 và xuống 11%/năm kể từ ngày 05/12/2008. Mặt khác, nhằm thực hiện Nghị quyết số 30/CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, đặc biệt là gói kích cầu qua hình thức hỗ trợ lãi suất 4%, từ tháng 2/2009 NHNN đã tiếp tục điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất với lãi suất cơ bản giảm xuống còn 7%, lãi suất tái cấp vốn 7%/năm, lãi suất tái chiết khấu còn 5/năm. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng được điều chỉnh giảm.

Ngoài ra, NHNN cũng điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, chủ yếu chào mua tờ có giá với kỳ hạn và lãi suất hợp lý nhằm đưa tiền ra lưu thông; điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá giữa VND và USD, chấn chỉnh hoạt động mua bán, thu đổi ngoại tệ.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 11/2009, để phù hợp với diễn biến mới của nền kinh tế, NHNN đã điều chỉnh giảm biên độ ấn định tỷ giá xuống còn + 3 kể ngày 26/11/2009, đồng thời điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng cho ngày 26/11/2009 tăng thêm 5,4% so với ngày 25/11/2009; lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu cũng được điều chỉnh tăng thêm 1% kể từ tháng 12/2009.

Kết thúc năm 2009, tổng mức tín dụng tăng 37,73%, nguồn vốn huy động vốn tại các tổ chức tín dụng tăng 28,7%, tổng phương tiện thanh toán tăng 28,67%, lạm phát được kiềm chế ở mức 6,88%.

Tóm lại, trong năm 2009, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, góp phần duy trì các chỉ số tiền tệ và kinh tế vĩ mô ở mức hợp lý.