PDA

View Full Version : Nới biên độ tỷ giá làm giảm tâm lý giữ USD


truong3an
06-06-2012, 04:15 PM
Nếu chiều lòng giới xuất khẩu thì lợi ích DN nhập khẩu sẽ bị thiệt. Đổ xô mua ngoại tệ sẽ bị thiệt. Hôm qua, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã giải thích thêm với báo chí những quyết sách về tài chính tiền tệ vừa được ban hành.
Điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường
Nói về Quyết định số 622 ban hành hôm 23-3 về điều chỉnh biên độ tỷ giá VND/USD tăng từ ±3% lên ±5%, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng quyết định này sẽ giúp cho tỷ giá biến động hai chiều linh hoạt hơn, bám sát cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Cùng với việc mở rộng biên độ sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm mọi hành vi mua bán ngoại tệ vượt trần biên độ. Mặt khác, Ngân hàng nhà nước cũng sẽ áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế tâm lý găm giữ ngoại tệ đang rất bức xúc hiện nay, đảm bảo việc chu chuyển ngoại tệ bình thường, lành mạnh.
Tuy nhiên, ngay từ cuối chiều 23-3, tại thị trường tự do giá mỗi USD chợ đen đã bị đẩy lên sát 18.000 VND; còn tại Ngân hàng Ngoại thương giá công bố sáng 24-3 đã là 17.700 VND, sát trần biên độ. Ông Giàu thừa nhận, sức ép làm giảm giá VND để hỗ trợ xuất khẩu đang rất lớn. Ở nhiều nước, cách điều hành tỷ giá là thả nổi đồng nội tệ; một vài nước theo cách giữ tỷ giá cố định. Ở Việt Nam hiện theo đuổi cách điều hành tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường, không thả nổi và cũng không giữ tỷ giá cố định. Bởi vì không chỉ có lợi ích của DN xuất khẩu mà Ngân hàng nhà nước phải cân đối nhiều lợi ích khác.
Theo ông Giàu, nếu “chiều” giới xuất khẩu thì lợi ích DN nhập khẩu, nhất là DN nhập nguyên liệu sẽ bị thiệt. “Giả sử giảm giá VND 10% so với USD thì các DN nhập nguyên liệu phải chi thêm 10% để thanh toán, sẽ gây đội giá thành. Hơn nữa, ngay vấn đề nợ quốc gia sẽ bị tác động. Giả sử nợ quốc gia đang là 20 tỷ USD, giảm giá VND 10% thì ta phải trả thêm khoản tương đương hai tỷ USD nữa”.
Với quyết định nới biên độ (tức là giá mỗi USD kịch trần cũng chỉ đạt khoảng 17.800 VND), thống đốc khẳng định đã làm chùng sự căng thẳng không đáng có trên thị trường ngoại tệ, tâm lý găm giữ USD sẽ giảm mạnh chứ không phải do khan hiếm USD (thực tế chiều 24-3, mỗi USD chợ đen chỉ còn 17.850 VND, sát trần biên độ). Theo ông Giàu, thực tế lượng cung USD trong hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, hiện còn 10 tỷ USD của các tổ chức gửi; tiền của dân gửi cũng đạt chín tỷ USD, chưa kể 20 tỷ USD dự trữ. Nói về các đề xuất thả nổi VND (nói cách khác là phá giá VND) của một số tổ chức và chuyên gia, thống đốc nhận định đó chỉ là những suy diễn trên lý thuyết, không phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Khó đảo nợ vì phải có phương án

Tại cuộc gặp hôm qua, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho hay tính đến ngày 20-3, theo tổng hợp từ các ngân hàng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trong gói kích cầu của Chính phủ đã đạt 157,8 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh đạt gần 120 ngàn tỷ đồng, nhóm ngân hàng cổ phần đạt gần 32,2 ngàn tỷ đồng, nhóm ngân hàng liên doanh và có vốn nước ngoài đạt gần sáu ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý “hưởng lợi” từ gói hỗ trợ này không chỉ có DN nhà nước (36%) mà còn có các công ty TNHH, CP, tư nhân, FDI... chiếm tới 60%; còn lại là HTX và hộ gia đình, cá nhân.
Quá trình triển khai gói hỗ trợ này, theo ông Giàu, có một số vấn đề dư luận băn khoăn, mổ xẻ. Ví dụ, hỗ trợ lãi suất tăng dư nợ lên 630 ngàn tỷ đồng có tác động lạm phát không? Ông Giàu nói dư nợ cho DN vay chỉ giúp họ duy trì sản xuất, hạ giá thành sản phẩm dịch vụ (hạ chi phí trả lãi vay vốn), qua đó tạo việc làm cho người lao động nên không tác động tới lạm phát.
Điều đáng quan tâm là triển khai hỗ trợ lãi suất có tăng khả năng đảo nợ không. Ông Giàu cho biết đảo nợ được hiểu là hành vi một ngân hàng cho DN vay vốn ưu đãi nhằm trả nợ ở ngân hàng mình hoặc ngân hàng khác. Lâu nay việc trả nợ đến hạn hay trước hạn để hưởng lãi suất thấp là bình thường. Tuy nhiên, muốn vay vốn kích cầu thì DN phải tuân thủ điều kiện về tín dụng, trong đó bắt buộc phải có phương án kinh doanh khả thi thì mới được vay. Với dư nợ của những DN quá khó khăn trước đây, các khoản nợ này sẽ được tái cơ cấu theo Chỉ thị 06, một số sẽ được kéo dài thời hạn trả nợ. DN nào quá khó khăn thì phải chấp nhận rủi ro.

Đổ xô mua ngoại tệ sẽ bị thiệt

“Sắp tới, giá USD sẽ không tăng cao, chỉ trong biên độ trần cho phép. Do vậy, NHNN khuyến cáo người dân không nên đổ xô đi mua ngoại tệ, tránh thiệt hại không đáng có” - thống đốc NHNN lưu ý.
Theo số liệu NHNN thông báo, tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng ngày 24-3 là 16.980 VND/USD. Tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại mua vào là 17.600 đồng/USD và bán ra là 17.700 đồng/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá mua vào, bán ra được niêm yết ở mức 17.750-17.850 đồng/USD.

Phan Mai
Pháp luật

alyvnam
06-06-2012, 04:15 PM
Ngày 24-3, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức áp dụng biên độ tỉ giá USD/VNĐ là ±5%. Tại các điểm thu đổi "đô", không có hiện tượng người dân đổ xô mua bán ngoại tệ


Với tỉ giá liên ngân hàng (NH) 16.980 đồng/USD (giữ nguyên so với ngày 23-3), các NH thương mại được phép bán ngoại tệ với giá trần 17.829 đồng/USD. Tuy tỉ giá tăng mạnh nhưng giao dịch ngoại tệ vẫn ổn định.

Hình thành mặt bằng mới

8 giờ ngày 24-3, NH Ngoại thương công bố giá mua – bán 17.590 – 17.700 đồng/USD. NH Á Châu mua vào 17.520 đồng/USD, bán ra 17.650 đồng/USD. NH Xuất nhập khẩu VN mua vào với giá gần bằng NH Ngoại thương.

Cùng thời điểm, một số NH khác công bố giá bán cao hơn 100 đồng/USD. Cụ thể, NH Đầu tư – Phát triển, NH Quốc tế, NH Kỹ thương... niêm yết giá bán hết biên độ cho phép, lập tức NH Ngoại thương tăng giá bán lên 17.770 đồng/USD, sau đó tiếp tục nâng lên 17.825 đồng/USD. Nhiều NH khác cũng tăng giá bán lên kịch trần 17.829 đồng/USD.

Thị trường ngoại tệ hình thành mặt bằng mua – bán 17.600 - 17.829 đồng /USD.
Như vậy, so với ngày 23-3, giá USD bán ra của các NH đã tăng hơn 300 đồng/USD, giá mua vào chỉ tăng khoảng 100 đồng/USD; chênh lệch giá mua - bán phổ biến 200 đồng/USD.

Không khí giao dịch vẫn trầm lắng

Ngay sau khi các NH tăng tỉ giá ngoại tệ, giá USD thị trường tự do cũng biến động theo, mua - bán xoay quanh 17.800 - 18.000 đồng/USD, cuối giờ chiều giảm xuống còn 17.750 đồng/USD (mua vào), 17.950 đồng/USD (bán ra).

Cách biệt giữa tỉ giá của NH với thị trường tự do được rút ngắn 100 đồng/USD (trước đó cách biệt 200 đồng/USD).



Dù tỉ giá USD/VNĐ tăng mạnh nhưng không khí giao dịch ở các ngân hàng vẫn trầm lắng. Ảnh: H.THÚY

Tại các điểm thu đổi “đô”, không có hiện tượng người dân đổ xô mua – bán ngoại tệ mà có xu hướng bán nhiều hơn mua. 10 giờ 30 phút, một khách hàng bán 30.000 USD cho một tiệm vàng ở chợ Bến Thành (TPHCM), chủ tiệm thu vào 17.850 đồng/USD (giá sỉ).

Một khách hàng khác mua tại tiệm 5.000 USD với giá 17.950 đồng/USD. Trong khi đó, chủ một tiệm vàng ở chợ Gò Vấp TPHCM cho biết gần như không có khách hàng đặt hàng “đô” với số lượng lớn. Tại Hà Nội, không khí giao dịch USD thị trường tự do cũng trầm lắng như TPHCM.

Linh hoạt giá mua USD

Tuy chênh lệch giá mua và giá bán USD của các NH khá lớn nhưng ông Võ Văn Châu, Tổng Giám đốc NH Phương Đông, cho biết khi doanh nghiệp bán “đô”, các NH có thể thu vào cao hơn giá niêm yết nhưng vẫn nằm trong khoảng cách giữa giá mua và giá bán.

Tuy nhiên, ngày đầu tiên áp dụng biên độ mới chưa có đơn vị nào đến bán “đô”. Một lãnh đạo của NH Kỹ thương cho rằng tỉ giá USD/VNĐ của các NH liên tục thay đổi nên phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu còn nghe ngóng diễn biến thị trường, chưa có động thái bán “đô”.

Lãnh đạo các NH khác cũng cho rằng doanh nghiệp đang găm giữ “đô”, chọn thời điểm hợp lý để quyết định chuyển USD sang VNĐ.

Trước thông tin tỉ giá tăng, một số đơn vị xuất khẩu cho hay yêu cầu về điều chỉnh tỉ giá của họ đã được NH đáp ứng nên sẽ tăng nguồn thu, tăng thu nhập cho người lao động.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu cho biết họ đang bị áp lực về tỉ giá ngoại tệ, buộc phải tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, chỉ tiêu lợi nhuận để bảo đảm sức cạnh tranh.

Nới lỏng nhưng đừng quá tay
Theo Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, quan điểm của Chính phủ là chính sách tỉ giá phải linh hoạt và theo tín hiệu thị trường, không thả nổi, cũng không “neo” ở mức cố định và phải bảo đảm cân đối, hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích doanh nghiệp. Theo NH Nhà nước, biên độ tỉ giá đang duy trì ở mức ±3% là khá chật hẹp, nới lên mức ±5% sẽ đỡ căng thẳng cung - cầu ngoại tệ, là bảo đảm hài hòa các lợi ích nói trên. Cả NH và doanh nghiệp có thể chủ động lập phương án sản xuất kinh doanh trong năm 2009.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng nới biên độ tỉ giá lên ±5% tại thời điểm này là phù hợp, đạt được hai mục đích. Thứ nhất, đồng tiền VN được đưa về sát giá trị thực tế hơn. Thứ hai, có tác dụng khuyến khích xuất khẩu, giúp khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp VN ở nước ngoài tăng lên.

Tuy nhiên, cần thận trọng với chính sách nới lỏng tỉ giá vì nếu “quá tay” sẽ có nguy cơ tái lạm phát và tạo hiện tượng vơ vét ngoại tệ dự trữ trong tương lai, gây tâm lý USD hóa. Việc nới biên độ tỉ giá lúc này còn có nguyên nhân về cung - cầu. Nguồn cung ngoại tệ đang kém đi do xuất khẩu giảm cả về giá và khối lượng. Nguồn thu từ FDI, ODA, kiều hối đều hạ trong khi có khả năng rút ròng từ nguồn đầu tư gián tiếp chuyển vốn về nước. Không nới biên độ tỉ giá sẽ có nguy cơ gây chênh lệch lớn giữa giá NH và chợ đen.

P.Anh



Thy Thơ