PDA

View Full Version : Ngân hàng khát vốn USD


tranquangquoc
06-06-2012, 04:18 PM
Từ chỗ đi đêm hút vốn tiền đồng, các ngân hàng giờ đây sẵn sàng trả lãi suất huy động ngoại tệ gấp đôi mức trần cho phép, đồng thời chào mời nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn.

Hiện nay, mặc dù trần lãi suất huy động USD do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với cá nhân là 2% mỗi năm. Thế nhưng, khách hàng chỉ cần gửi 10.000 USD trở lên là đã có thể thỏa thuận lãi suất đôla với một số ngân hàng với mức từ 2,5-4% một năm.


Nhu cầu vay vốn ngoại tệ tăng cao, các ngân hàng đẩy mạnh việc hút vốn bằng việc lách trần tiền gửi USD. Ảnh: Lệ Chi
Tại một trụ sở ngân hàng cổ phần trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, bảng niêm yết vẫn đề 2% một năm đối với tiền gửi USD. Thế nhưng, khi trao đổi miệng với khách, nhân viên cho biết sẽ trả 2,5-4% một năm tuỳ số lượng USD mang đến gửi.

Chị Thanh Lan, quận 6, TP HCM vừa gửi đôla ở đây chia sẻ, ban đầu, khi chị đưa ra mức gửi 50.000 USD trong 3 tháng thì được nhân viên thông báo mức tối đa chỉ là 2%. Tuy nhiên, sau một hồi trao đổi và đòi đi nơi khác gửi nếu lãi suất ở đây không nới lên. Ngay lập tức, chị được nhân viên trấn an rằng, bên cạnh lãi 2% một năm, cuối kỳ ngân hàng còn tặng thêm một khoản tiền mặt trị giá 0,5% trên tổng số tiền gửi. Nhưng để hợp thức hoá số tiền chênh này, chị sẽ ký với nhà băng một hợp đồng mua bán vàng khống.

Trong khi đó, anh Nam, quận Bình Tân kể, tuần rồi anh được một người quen thường gửi tiền tại một nhà băng trên đường 3/2, quận 10 dắt đến. Khi gặp nhân viên giao dịch, anh hỏi về lãi suất thì cô này vào thẳng vấn đề ngay, lãi suất huy động nhà nước áp trần 2% nhưng anh do người quen dẫn đến nên ngân hàng sẽ huy động với lãi suất cao hơn. Cụ thể hơn bao nhiêu còn tùy thuộc vào số tiền mà anh gửi nhiều hay ít.

"Khi nghe tôi nói có nhu cầu gửi khoảng 30.000 USD, cô ấn định ngay phần được nhận thêm là hơn 2 triệu đồng (gần 0,4%), nếu gửi thời hạn 3 tháng, (tức được cộng thêm 0,13% mỗi tháng, quy ra khoảng 1,5% mỗi năm). Như vậy, tính chung với cả lãi gốc 2%, anh được hưởng tổng cộng khoảng 3,5% một năm", anh bật mí.

Về cách thức thực hiện, anh cho biết, ngoài lãi suất ghi theo chứng nhận tiền gửi đúng như quy định 2%, số tiền chênh lệch giữa lãi suất chính thức với lãi suất thỏa thuận anh được phía ngân hàng gửi ngoài bằng tiền mặt ngay sau khi gửi, và không cần phải làm thủ tục gì khác.

Để đạt mức lãi suất huy động cao thấp thế nào còn tùy thuộc vào khả năng thương lượng của khách hàng, cũng như mối quan hệ của người gửi với nhân viên ngân hàng.

Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự với các ngân hàng ở Hà Nội. Sáng 26/7, tại một ngân hàng quốc doanh trên phố Xã Đàn, nhân viên tín dụng cho hay, với những khoản gửi từ khoảng 50.000 USD trở lên, lãi có thể nới ra. Mức nới tùy thuộc số tiền gửi nhưng phổ biến 0,5% so với mức trần. Với huy động bằng đồng Việt Nam cho số tiền trăm triệu đồng trở lên, lãi suất VND nhích so với trần khoảng 1-2% một năm. Giá mua bán USD trưa nay của nhà băng này là 20.480 đồng, bán ra 20.590 đồng.

Lý giải về hiện tượng này, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP HCM cho rằng, tất cả những trường hợp lách trần huy động USD đều xuất phát từ cung- cầu trên thị trường.

Bởi theo ông, nhìn vào thực tế, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6, tín dụng ngoại tệ tăng tới 23,47% so với cuối năm 2010. Lý do là chênh lệch lãi suất cho vay giữa VND và USD quá lớn. Trong khi đó, tăng trưởng nguồn vốn ngoại tệ không theo kịp, chỉ tăng khoảng 8,94% so với cuối năm 2010 và có xu hướng giảm (giảm 3,62% so với cuối tháng trước).

"Do đó, nhiều ngân hàng phải làm liều lách trần lãi suất tiết kiệm USD để huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp", vị này nói.

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng cho hay, gần đây, nhu cầu cho vay bằng đôla Mỹ của hầu hết các ngân hàng tương đối cao. Trong khi đó, huy động vốn bằng USD thời điểm này lại khó, do người dân có xu hướng chuyển sang gửi tiết kiệm tiền đồng. Điều này, vô hình trung khiến cho huy động bằng USD của các ngân hàng đều giảm đi, lãi suất đầu vào chênh lệch cao làm cho thu hút vốn ngoại tệ tăng chậm lại. Do đó, một số đơn vị sẽ phải kích thích thu hút bằng việc 'lách trần".

Nhìn nhận về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cũng cho rằng, biểu hiện đầu tiên của việc các ngân hàng huy động vốn USD lãi suất cao là do nhu cầu về vốn rất lớn của doanh nghiệp. Bởi hiện nay, nhìn vào thực tế, ai cũng thấy rõ tỷ giá đang rất ổn định. Hơn nữa, vay USD rẻ hơn vay tiền đồng rất nhiều (lãi suất vay USD hiện chỉ từ 6 – 8,5% mỗi năm, trong khi đó lãi suất vay tiền đồng từ 18-26% một năm). "Doanh nghiệp đua nhau vay USD là điều tất yếu. Vô hình trung đã gây áp lực hút vốn USD lên vai các ngân hàng", ông nói.

Ngoài ra, theo tính toán của ông Dương, so với lãi suất cho vay từ 7-8% như hiện nay, mức lãi suất huy động 3-4% (đã bao goomg đi đêm) vẫn còn quá thấp. Trong khi các ngân hàng đang rất cần vốn để cho vay nhằm hưởng chênh lệch, nên chả lý do gì không đi đêm .

Thêm vào đó, một lý do theo ông Dương cũng không kém phần quan trọng, đó là sự chế tài của Ngân hàng Nhà nước chưa mạnh. Việc kiểm tra, thanh tra cũng chưa nghiêm nên các nhà băng không tuân thủ và vô tư lách trần.

Tiến sĩ Dương cho rằng, nếu tình trạng này không chấm dứt sẽ gây ra nhiều hệ quả. Trước hết là sự mất niềm tin của người dân, nhà đầu tư nước ngoài...vào chính sách của nhà nước. Kế đến là mục tiêu chuyển quan hệ huy động-cho vay sang mua-bán ngoại tệ của cơ quan quản lý bị chững lại. Đồng thời, nạn đôla hoá nền kinh tế có nguy cơ gia tăng.

Ông cũng tỏ ra lo ngại trước hiện tượng tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ tăng đột biến sẽ làm biến động cung cầu ảo về USD. Hiện tại các doanh nghiệp vay đôla bán ra lấy tiền đồng kinh doanh khiến nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Nhưng đến khi các khoản lãi vay USD đến kỳ đáo hạn trong những tháng cuối năm sẽ gây áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.

Để kiểm soát thị trường, ông Dương cho rằng, bên cạnh việc làm giảm độ hấp dẫn của đồng USD (bằng việc giảm mạnh lãi suất huy động, tăng cao lãi suất cho vay) thì Ngân hàng Nhà nước cần phải chế tài thật mạnh những trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Vietinbank Lê Đức Thọ đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần giới hạn đối tượng được vay vốn USD chỉ là những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hoặc tái tạo được USD từ hoạt động sản xuất kinh doanh. "Riêng với các doanh nghiệp nhập khẩu có nhu cầu về ngoại tệ, chỉ nên cho vay bằng VND và yêu cầu họ dùng tiền này mua USD. Nếu ưu tiên, sẽ chỉ ưu tiên những mặt hàng thiết yếu cần nhập khẩu như xăng dầu, thuốc chữa bệnh, phân bón thực vật...", ông Thọ nói.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho hay, đã nghe thông tin một số ngân hàng trên địa bàn thành phố áp dụng lãi suất huy động USD vượt trần quy định. Theo ông, thời gian tới, phía Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra hoạt động huy động đầu vào của các đơn vị này. "Nếu phát hiện sai sót, chúng tôi sẽ xử lý, trước mắt là yêu cầu đưa lãi suất về đúng quy định, nếu vẫn vi phạm chúng tôi sẽ có biện pháp khác", ông Hùng nói.

Dù vậy, theo đại diện thanh tra này, việc "bắt tận tay, day tận trán" những nhà băng lách trần huy động USD hiện nay không dễ vì hầu hết các ngân hàng vượt trần đều hợp pháp hóa các chứng từ khi làm việc với khách hàng. Việc chứng minh sự vi phạm cũng khó, vì cần có cơ sở pháp lý đầy đủ trong khi chúng tôi chưa tìm được bằng chứng, ông Hùng nói.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng gần đây cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng và huy động bằng ngoại tệ luôn tăng cao hơn so với VND. Theo báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Trung ương, huy động vốn bằng VND chỉ tăng 1,15% trong khi vốn ngoại tệ tăng 8,89%. Riêng về tín dụng, cho vay bằng đồng Việt Nam chỉ tăng 2,72% trong khi cho vay bằng ngoại tệ có mức tăng áp đảo, lên tới 22,21%.
Tuệ Minh - Lệ Chi