PDA

View Full Version : Được hay mất? Được nhiều hay mất nhiều xung quanh việc tăng lãi suất cơ bản


dwengvn
26-05-2012, 10:28 PM
Việc tăng lãi suất cơ bản (LSCB) là cần thiết và đúng theo sự vận động khách quan của nền kinh tế, phù hợp quy luật thị trường.

Chuyên gia phân tích vĩ mô CTCK Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, ông Tống Minh Tuấn đã khẳng định như vậy khi nhìn nhận về Quyết định điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản 1% (từ mức 7% lên 8%) và điều chỉnh tỷ giá USD/VND theo hình thức giảm biên độ từ 5% còn 3%, nhưng tăng tỷ giá tham chiếu liên ngân hàng.

Theo ông Tuấn, việc tăng LSCB là cần thiết và đúng theo sự vận động khách quan của nền kinh tế, phù hợp quy luật thị trường. Các chính sách này về trung và dài hạn sẽ giảm bớt những sự mất cân đối vĩ mô trong tương lai như giải quyết vấn đề về thúc đẩy hoạt động ngân hàng, sức khỏe đồng VND, giảm rủi ro lạm phát, ổn định tỷ giá, giảm sự mất cân đối và bong bóng tài sản...

Ngân hàng: “Cởi” hay “thắt”?

Cùng với nhu cầu tín dụng cao cuối năm, các Ngân hàng hiện đang gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn, đặc biệt là nhu cầu vốn trung dài hạn. Hoạt động tín dụng do vậy cũng gặp khó khăn và gần như ngân hàng hoạt động cầm chừng trong khoảng 1 tháng nay. Lãi suất huy động luôn có áp lực tăng để thoát khỏi tình trạng này. Cuối tháng 11/2009, mặt bằng lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn ngắn ngày 3 - 6 tháng được các ngân hàng áp dụng ở mức khoảng 8,7 - 9,3% (thậm chí có ngân hàng còn áp dụng 10,3%) và đẩy mạnh khuyến mãi.

Trong hệ thống ngân hàng, tăng trưởng huy động vốn hàng tháng liên tục giảm từ mức 4.01% của tháng 5 xuống còn 1.85% tháng 10/09. Nếu tăng trưởng tín dụng là tính đến cuối tháng 10/2009 so với cuối 2008 là 33,3%, thì tăng trưởng của huy động chỉ là 25,7%. Sự tăng lên của lãi suất bình quân liên ngân hàng và doanh số giao dịch liên ngân hàng cũng phần nào phản ánh sự thiếu hụt nguồn vốn của các NHTM.

“Như vậy, tác động thực chất của việc tăng LSCB không phải “thắt chặt” hoạt động ngân hàng, mà thực tế là đã tháo gỡ và “nới lỏng” hơn cho hoạt động tín dụng của ngân hàng. Điều này có ý nghĩa lớn đối với hệ thống ngân hàng và sự cân đối của nền kinh tế vĩ mô”, ông Tuấn khẳng định.

Cải thiện “sức khỏe” VND

Việc tăng LSCB không chỉ cứu các ngân hàng mà còn cứu cả các doanh nghiệp khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, đồng thời góp phần cải thiện “sức khỏe” đồng VND.

Trước tình hình giá USD và vàng liên tục có những biến động tăng mạnh trong thời gian gần đây, việc tăng LSCB còn mang ý nghĩa cải thiện giá trị đồng nội tệ, hạn chế áp lực tăng tỷ giá có thể gây biến động xấu đối với kinh tế vĩ mô. Trong khi các nguồn thu ngoại tệ như xuất khẩu hoặc kiều hối không cải thiện nhiều so với 2008, việc hạn chế nguồn cung VND bằng việc tăng lãi suất sẽ là một công cụ để bảo đảm ổn định tỷ giá. Theo ông Tuấn, việc lấy lại giá trị của VND mang 3 ý nghĩa quan trọng:

Thứ nhất, việc tỷ giá tăng cao và khan hiếm USD dẫn đến nguy cơ những tháng cuối năm Việt Nam sẽ phải nhập khẩu hàng hóa với giá đắt. Tỷ giá tăng không làm Việt Nam nhập khẩu ít đi do sự co giãn của nhập khẩu với tỷ giá của Việt Nam tương đối thấp (cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam có đến 90% hàng thiết yếu là nhập nguyên, vật liệu, máy móc cho sản xuất). Như vậy hạ nhiệt tỷ giá sẽ làm giảm nguy cơ lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động nhập khẩu.

Thứ hai, Việt Nam chỉ thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài khi đồng VND được kỳ vọng ổn định và mạnh lên. Sự bất ổn về tỷ giá và mất giá của VND sẽ khiến Việt Nam mất sự hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, sự điều chỉnh này sẽ góp phần tạo sự hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, với lãi suất VND thấp và việc vay VND tương đối hấp dẫn hơn so với vay USD, trong thời gian qua có thể xảy ra tình trạng cá nhân dùng vốn vay VND để đầu cơ chuyển sang các tài sản khác như nhập vàng, đầu cơ vàng, ngoại tệ… “Việc này góp phần tăng bong bóng tài sản như báo cáo mới đây của WB đã từng đề cập về Việt Nam. Với việc tăng lãi suất VND, và rất có thể, theo dự đoán của chúng tôi, NHNN có thể điều chỉnh giảm lãi suất cho vay USD để tạo sức mạnh tương đối của VND so với USD. Có nghĩa là đồng VND sẽ khan hiếm hơn và USD sẽ dồi dào hơn. Việc này sẽ hạ nhiệt tỷ giá và giảm thiểu các tiêu cực đầu cơ tăng bong bóng tài sản trong nền kinh tế.”

Chuyên gia này cho rằng việc tăng trần tỷ giá sẽ làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động bán ngoại tệ hơn cho ngân hàng, giảm bớt luồng ngoại tệ ngoài thị trường tự do, góp phần làm hạ nhiệt tỷ giá.

Ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát

Tăng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc các chính sách vĩ mô đang dần chuyển sang xu thế giảm bớt nới lỏng tiền tệ, chuyển sang giai đoạn ổn định và tăng cường chất lượng, hạn chế rủi ro vĩ mô. Điều này cũng phù hợp với quyết định dừng chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đúng thời hạn 31/12/2009 (theo NHNN sáng 25/11/2009), vì rõ ràng chính sách hỗ trợ lãi suất và tăng lãi suất theo lý thuyết là một sự mâu thuẫn.

“Ngoài ra, rủi ro về lạm phát năm 2010 là một điều đáng lo ngại. Mặc dù chưa có biểu hiện bất thường trong hiện tại, song độ trễ của lạm phát so với chính sách tiền tệ là một yếu tố lý giải cho việc điều chỉnh tăng dần lãi suất ngay từ bây giờ. Theo tôi, điều này là hết sức đúng đắn và cần thiết đối với những kinh nghiệm về lạm phát đã từng xảy ra tại Việt Nam.”, ông Tuấn kết luận.
Nguồn sanotc.com.vn