Home UserCP Memberlist Register Calendar FAQ
Home

Trở lại   Chợ thông tin giao dịch Vàng Việt Nam > THỊ TRƯỜNG VÀNG > Thị trường vàng vật chất
Tên tài khoản
Mật khẩu
Đăng ký Hỏi đáp Danh sách thành viên Lịch Bài gửi hôm nay

 
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 26-05-2012, 10:28 PM
tholvt tholvt đang online
Member
 
Tham gia ngày: May 2012
Bài gửi: 78
Mặc định Xoay quanh vấn đề tỷ giá

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Một chính sách tỷ giá phù hợp phải thực tế theo tín hiệu của thị trường và hướng về lợi ích toàn cục của nền kinh tế đất nước. Vấn đề tỷ giá không bao giờ là dễ dàng. Hầu hết các ý kiến cho rằng quyết định điều chỉnh tỷ giá vừa rồi là thích hợp, giúp đưa tỷ giá chính thức gần hơn với tỷ giá trên thị trường tự do nhằm giảm bớt những giao dịch quanh co, ngoài luồng và giải tỏa bớt yếu tố kỳ vọng. Tuy nhiên trong lâu dài, một chính sách tỷ giá phù hợp phải thực tế theo tín hiệu của thị trường và hướng về lợi ích toàn cục của nền kinh tế đất nước và trên hết đó là niềm tin: Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam giới thiệu ý kiến của GS Trần Lê Anh (Đại học Lasell, Mỹ ); TS Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội) và TS Nguyễn Quang A quanh câu chuyện tỷ giá của Việt Nam.

GS. Trần Lê Anh: Phải tạo được niềm tin vào thị trường

Rõ ràng là có căng thẳng cung-cầu ngoại tệ nên giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh trong thời gian qua. Việc này xảy ra là do nhiều yếu tố:

Thứ nhất, các nguồn thu ngoại tệ như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp nước ngoài, kiều hối và khách du lịch quốc tế đều giảm.

Thứ nhì, do Chính phủ sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu nên đã gây ra áp lực tăng lạm phát. Do đó, để bảo vệ sức mua của mình, người có tiền đã đi tìm sự an toàn ở USD và vàng. Tất nhiên, họ không quên lạm phát rất cao vào năm ngoái đã làm cho VND bị mất sức mua một cách trầm trọng.

Thứ ba, do hai yếu tố trên nên đã dẫn đến tâm lý kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá theo hướng làm trượt giá mạnh VND. Và đây là nguyên nhân của tình trạng găm giữ đô la, làm căng thẳng thêm cung - cầu ngoại tệ.

Tôi nghĩ rằng việc NHNN quyết định điều chỉnh tỷ giá vừa rồi là thích hợp, giúp đưa tỷ giá chính thức gần hơn với tỷ giá trên thị trường tự do nhằm giảm bớt những giao dịch quanh co, ngoài luồng và giải tỏa bớt yếu tố kỳ vọng.

Trong bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam thì điều hành linh hoạt là hợp lý. Bởi vì nếu hoàn toàn thả nổi tỷ giá trong khi thị trường tài chính và tiền tệ chưa được phát triển thì có rất nhiều rủi ro, mà neo cứng tỷ giá một chỗ cũng gặp rất nhiều bất cập. Do đó, điều hành linh hoạt theo tín hiệu của thị trường nhưng có sự can thiệp điều tiết của nhà nước là thích hợp.

Nhưng trong thực tế, thời gian gần đây NHNN chưa thực sự linh hoạt trong việc điều hành tỷ giá. NHNN đã thiên về khuynh hướng cố giữ ổn định tỷ giá trong khi tình hình thực tế đòi hỏi phải điều chỉnh mạnh tay hơn.

Tôi nghĩ, NHNN đã nên có thêm một cuộc điều chỉnh vào khoảng cuối quí 2 và đầu quí 3 của năm nay thì tình hình sẽ tốt hơn. Đợt điều chỉnh trong tháng 11 này tuy chậm nhưng cần thiết.

Điều chỉnh linh hoạt trong bối cảnh của Việt Nam thì ngoài việc theo tín hiệu của thị trường thì NHNN còn phải định hướng thị trường một cách hợp lý để tránh những bất cập trong thị trường, chẳng hạn như tình trạng đầu cơ.

Và muốn định hướng tốt thì NHNN cần phải tăng cường minh bạch hóa thông tin và nhất quán trong vấn đề đưa ra tín hiệu điều chỉnh chính sách để tạo niềm tin đối với thị trường.

Lâu nay, việc đồng USD lên giá tại Việt Nam phần lớn là do các vấn đề bất cập của nền kinh tế Việt Nam như đã nói lúc đầu, chẳng hạn như vấn đề lạm phát. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì thâm hụt tài khóa năm nay của Việt Nam lên đến trên 10% GDP, con số cao nhất trong những năm qua. Thâm hụt thương mại vẫn còn rất cao, và dự trữ ngoại tệ bị tụt giảm.

Những yếu tố này đã làm suy yếu VND. Bên cạnh đó, Việt Nam có tỷ lệ đô la hóa tương đối cao. Do đó, USD lên giá ở VN trong thời gian qua là chuyện khó tránh khỏi.

Điều hành tỷ giá là một công việc phức tạp. Xác định một tỷ giá hợp lý đòi hỏi phải cân nhắc tổng hợp nhiều yếu tố khác nhau như lạm phát (trong nước cũng như ở những nước đối tác thương mại chính), cung tiền, lãi suất, chính sách tài khóa, tính cạnh tranh của xuất khẩu, dự trữ ngoại tệ, sự thay đổi của các luồng ngoại tệ chảy vào...

Công việc điều hành tỷ giá của NHNN càng phức tạp hơn vì nền kinh tế Việt Nam có những bất ổn vĩ mô đặc thù, và NHNN không thể điều hành chính sách một cách độc lập như nhiều ngân hàng trung ương ở các nước khác. Điều này có nghĩa là các điều hành của NHNN phải chịu ảnh hưởng bởi các mục tiêu về tăng trưởng và lạm phát mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Do đó, không gian chính sách của NHNN bị thu hẹp đi rất nhiều.

Từ những đặc điểm này thì tôi nghĩ về lâu dài nên có những cải cách theo hướng tạo điều kiện cho NHNN có nhiều tự do hơn trong việc ấn định chính sách để có thể điều hành một cách có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó thì tất nhiên là phải cải thiện vấn đề thông tin, bao gồm luồng thông tin mà NHNN thu thập và luồng thông tin mà NHNN đưa ra thị trường. Thông tin minh bạch và chính xác rất quan trọng trong vấn đề ấn định chính sách tỷ giá cũng như tạo niềm tin trong thị trường.

Còn trước mắt, NHNN cần cố gắng để tạo một sự cân bằng giữa việc giữ ổn định tỷ giá và việc linh hoạt điều chỉnh tỷ giả để phản ánh đúng hơn với những gì đang diễn biến trong nền kinh tế.

TS. Nguyễn Minh Phong: Linh hoạt không có nghĩa là thay đổi quay quắt

Nói đến tỷ giá hối đoái trên thị trường Việt Nam hiện nay về thực chất và chủ yếu là nói đến tỷ giá giữa VND và USD với tư cách là mối quan hệ cơ bản dẫn dắt và xuyên suốt các tương quan giữa VND với các đồng tiền khác trong "rổ" tiền tệ của thế giới mà Việt Nam có quan hệ kinh tế trên thực tế...

Đây là một thực tế lịch sử, được quy định bởi nhiều lý do có tính lịch sử, mà trước hết là do sự phổ biến của đồng USD trên thế giới với sự bao quát tới trên 2/3 - 3/4 tổng giao dịch kinh tế - tiền tệ trên thế giới trong suốt nửa thế kỷ qua.

Ở Việt Nam, sự phổ biến của đồng USD cũng ở mức cao như vậy, thậm chí còn có phần cao hơn do các giao dịch ngoại thương và kiều hối của Việt Nam chủ yếu thực hiện thông qua đồng tiền này.

Điều hành linh hoạt nhằm giữ ổn định tỷ giá VND với USD là mục tiêu và cũng là phương châm hành xử khá nhất quán ở nước ta suốt nhiều thập kỷ qua. Và đây cũng là căn nguyên giải thích cho những động thái chủ yếu về tỷ giá của Việt Nam với tất cả tính 2 mặt của nó mà chúng ta đã và đang cảm nhận thấy trong thực tế.

Những điều chỉnh chính sách tỷ giá trong thời gian gần đây cho thấy các cố gắng thu hẹp chênh lệch tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do, từ đó góp phần cân bằng cung - cầu và giảm bớt các hoạt động găm giữ và đầu cơ ngoai tệ trong nền kinh tế. Đây là những điều chỉnh cần thiết và đúng hướng, đáp ứng cả nhu cầu thực tế trong quản lý nhà nước và kinh doanh của doanh nghiệp, lẫn phù hợp các nguyên tắc về lý thuyết tiền tệ...

Linh hoạt tỷ giá, ngày càng trở thành phương châm hành xử phổ biến trong chính sách tỷ giá của hơn ¾ số nước trên thế giới hiện nay. Vì vậy, không có lý gì mà Việt Nam nằm ngoài xu hướng chung này của thế giới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, sự linh hoạt cần được "Việt Nam hoá" cả về nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng, rộng và hẹp, trước mắt và lâu dài của khái niệm khá "mờ và mở" này....

Cần hiểu sự linh hoạt tỷ giá không có nghĩa là sự thay đổi quay quắt đến chóng mặt của tỷ giá chính thức theo các quyết định chủ quan có tính cơ hội hoặc vì lợi ích cục bộ nào đó, lại càng không có nghĩa là có thể biến động ngược chiều với các xu hướng tỷ giá chung của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.

Linh hoạt còn có nghĩa là không nên chỉ có sự biến động tỷ giá tăng hoặc giảm theo một chiều, chỉ có lên hoặc chỉ có xuống, tạo ra những kỳ vọng đầu cơ cao; Cũng không có nghĩa là phải ngay lập tức điều chỉnh tỷ giá chính thức thả nổi cứng nhắc như toán học theo đúng tốc độ tăng hay giảm của một hoặc một số đồng tiền dù là rất quan trọng nào đó trên thế giới.

Và sự linh hoạt của chính sách tỷ giá còn được thể hiện ở sự linh hoạt trong lựa chọn mục tiêu của chính sách tỷ giá. Không thể thoả mãn cùng lúc nhiều mục tiêu cho chính sách tỷ giá trong cùng một thời điểm, nhưng cũng không thể kéo dài mãi một chính sách tỷ giá chỉ phục vụ cho một mục tiêu nhất định dù là quan trọng trong bối cảnh nào đó, bất chấp những điều kiện khách quan đã thay đổi.

Linh hoạt tỷ giá còn bảo đảm phải có sự đồng bộ giữa tỷ giá với lãi suất vả cả biên độ tỷ giá, cũng như với các chính sách tài chính khác (theo nghĩa rộng) tránh sự triệt tiêu lấn nhau giữa các công cụ chính sách này, nhất là chính sách tỷ giá và lãi suất, cũng như giữa chính sách tỷ giá với công cụ tài chính khác. Đồng thời, còn cần "căn" tỷ giá chính thức phụ thuộc vào độ "dày hay mỏng" của dự trữ quốc gia, vào các mục tiêu chính sách cơ bản và vào thực tế dòng tiền chảy trên thị trường, nhất là dòng ngoại tệ ra - vào qua biên giới.

Cần lưu ý rằng, linh hoạt tỷ giá không hề mâu thuẫn với yêu cầu về tính minh bạch và có thể dự báo được của chính sách tỷ giá. Nói cách khác, xu hướng tỷ giá cần bám sát các động thái và tương quan tiền tệ và thị trường trong nước và quốc tế, tránh thị trường chảy theo một hướng, còn chính sách tỷ giá lái theo một nẻo, làm mất tính ổn định khách quan của chính sách tỷ giá, làm giảm hiệu quả và cả uy tín chính phủ trong điều hành tỷ giá, gây thêm những rủi ro chính sách cho các doanh nghiệp, đồng thời làm xấu môi trường và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực ra, sự tăng giá USD so với VND trong đợt điều chỉnh tỷ giá lần này là không có gì bất ngờ, vì:

Thứ nhất, chúng ta đã giữ tỷ giá này ổn định quá lâu, có xu hướng làm tăng giá VND quá mức ngay với bản thân USD, gây bất lợi cho nền kinh tế và nhất là cho các hoạt động kinh tế lành mạnh và hiệu quả. Thực tế lạm phát của Việt Nam trong 3 năm 2007-2009 là trên 40%, trong khi lạm phát của Mỹ chi bằng khoảng trên dưới 20% cùng thời kỳ, nhưng tỷ giá chính thức USD/VND dường như thay đổi không đáng kể, khiến VND bị định giá cao ngay trong tương quan tỷ giá với USD, vì vậy sự điều chỉnh tỷ giá lần này là cần thiết để xác lập sự cân bằng trở lại trong tương quan tỷ giá giữa VND và USD, bất chấp động thái này có vẻ như ngược lại với xu hướng mất giá chung của USD trên thị trường thế giới.

Cần nhấn mạnh rằng, càng kéo dài lâu hơn sự mất cân bằng này thì càng tích tụ nhiều hơn những hệ quả tiêu cực cộng dồn từ các thiệt hại do VND bị định giá cao và do "sốc tỷ giá" trong tương lai...

Thứ hai, sự tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán với tốc độ cao trong nhiều năm qua theo yêu cầu của chính sách nới lỏng tiền tệ để dảm bảo mức tăng trưởng kinh tế cao là nguyên nhân quan trọng làm VND phải giảm giá so với USD bất chấp xu hướng giảm giá của USD trên thế giới. Khi sự điều chỉnh này đạt tới ngưỡng sâu cần thiết, thì tỷ giá USD/VND sẽ bám sát hơn các động thái tỷ giá chung trên thế giới.

TS. Nguyễn Quang A: "Vòng luẩn quẩn quen thuộc"

Giới chuyên môn không hề ngạc nhiên trước quyết định mà nhiều người cho là "đột ngột" của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi cơ quan này quyết định: a) tăng lãi suất cơ bản từ 7%/năm lên 8%/năm; b) tăng tỷ giá của đồng USD lên gần tỷ giá thị trường và; thu hẹp biên độ tỷ giá giao dịch ngoại hối từ ±5% xuống ±3%. Lẽ ra đã phải hiệu chỉnh chính sách sớm hơn, linh hoạt hơn để ngăn "sự phá giá" đồng tiền nội địa. Đồng tiền đã bị phá giá rồi, đến lúc không thể chịu được nữa thì mới can thiệp một cách "giật cục" khiến nhiều người coi là "đột ngột" và "mạnh".

Đã có những tuyên bố rằng: "nhất thiết không phá giá đồng tiền", rồi vài ngày sau có một đợt "điều chỉnh mạnh" ("điều chỉnh mạnh" chứ không phải "phá giá" nhé).

Thực ra đồng tiền nội địa đã bị phá giá trước đó rồi, sự can thiệp này sẽ làm tình hình dịu đi. Cùng một hiện tượng có nhiều cách gọi khác nhau. Do dị ứng với một vài từ, người ta hay dùng các từ khác mỹ miều hơn. Người dân và giới chuyên môn lại dùng từ khác. Điều đó gây khó khăn cho truyền thông, cho truyền thông điệp rõ ràng một điều hết sức quan trọng trong hoạt động kinh tế.

Tai hại hơn, nó có thể làm xói mòn niềm tin vào chính sách. Cần rất cẩn trọng và cân nhắc. Tưởng là làm thế để củng cố niềm tin, thực ra là ngược lại.

Sự bất nhất trong điều chỉnh chính sách tạo ra những kỳ vọng méo mó. Những kỳ vọng đó lại làm cho tình hình thêm căng thẳng và buộc phải can thiệp theo hướng thoả mãn kỳ vọng; việc đó lại củng cố các kỳ vọng. Đấy là một vòng luẩn quẩn khá quen thuộc được nghiên cứu kỹ trong kinh tế học.

Rất nhiều người đã cảnh báo từ lâu về việc cần điều chỉnh linh hoạt tỷ giá để tránh việc các doanh nghiệp "găm" ngoại tệ (tức là để ngoại tệ trên tài khoản của mình và không bán cho ngân hàng) kỳ vọng ngoại tệ sẽ lên.

Việc "găm" ngoại tệ khiến các ngân hàng thiếu ngoại tệ để bán cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu. Sự khan hiếm này đẩy giá ngoại tệ lên và càng khiến các doanh nghiệp "găm" ngoại tệ có động cơ để "găm" thêm nữa, củng cố thêm động cơ "găm". Đấy cũng là một vòng luẩn quẩn quen thuộc.
Nguồn vietstock.com.vn
Trả lời với trích dẫn


 



Quyền viết bài
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

vB code is Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở
Chuyển đến

SangNhuong.com


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 12:54 PM
Sử dụng mã nguồn vBulletin® Phiên bản 3.6.8
© 2007 - 2025 Nhóm phát triển website và thành viên DTNTHB.COM.
BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên.
Chợ thông tin giao dịch Vàng Việt Nam

Liên hệ   Chợ thông tin giao dịch Vàng Việt Nam         Lưu Trữ  


Footer
vBSkinworks Top