#1
|
|||
|
|||
Giải pháp triệt tiêu “vàng hóa, USD hóa”?
Việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ 2-3 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên đến 4-4,8 triệu đồng/lượng đang là nguyên nhân chính khiến tỷ giá trên thị trường tự do tăng cao. Bán vàng huy động liệu có khả thi? Để giải quyết sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, một số kiến nghị đề xuất cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) bán lượng vàng huy động, đồng thời sẽ cho phép các NHTM được mở lại tài khoản vàng nước ngoài nhằm cân bằng số lượng vàng đã bán ra. Hiện tại, lượng vàng huy động tại các NHTM vào khoảng 100 tấn. Như vậy chỉ cần bán ra khoảng 30% tổng lượng vàng huy động nói trên cũng tạo ra nguồn cung khoảng 30 tấn để can thiệp vào thị trường vàng. Nếu so với 10 tấn vàng được nhập từ đầu tháng 8 đến nay con số 30 tấn nói trên rõ ràng là khá lớn. Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ mang tính ngắn hạn đối với thị trường vàng. Bởi lượng vàng huy động các NHTM đang nắm giữ lên đến 100 tấn nhưng chưa rõ các NHTM có thể bán được bao nhiêu trong con số trên. Hơn nữa, mặc dù NHNN cho phép các NHTM được mở tài khoản vàng nước ngoài để cân bằng vị thế, nhưng lượng vàng trên tài khoản nước ngoài muốn trở thành vàng trong nước vẫn cần NHNN cho phép nhập khẩu. Do đó, chắc chắn các NHTM sẽ cân nhắc lượng vàng bán ra nhằm tránh rủi ro trong khâu nhập khẩu vàng để “trả lại” cho nguồn vàng huy động trong nước. Với tình hình tỷ giá căng thẳng và quỹ ngoại hối còn mỏng, sự chậm trễ trong việc nhập khẩu vàng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Các NHTM có thể gặp phải rủi ro thanh khoản nếu nhu cầu rút vàng của người dân bất ngờ tăng cao. Hiện nay thị trường đang e ngại trước thông tin NHNN áp đặt trần lãi suất huy động vàng xuống mức 0,5%/năm. Nếu NHNN thực thi chính sách này, người dân có thể cân nhắc rút vàng để chuyển sang kênh đầu tư khác. Trong tình huống ngược lại, giải pháp này cũng cho thấy hạn chế nếu như NHNN “thông thoáng hơn” trong việc cho phép các NHTM được nhập khẩu vàng để cân bằng vị thế trong trường hợp bán quá nhiều lượng vàng huy động trong nước, điều này sẽ gây sức ép lên tỷ giá. Rõ ràng, giải pháp trên có thể phù hợp cho vấn đề cấp bách trước mắt nhưng không hiệu quả cho lâu dài. Mồi lửa cho cơn sốt tỷ giá Nếu như chênh lệch giữa giá vàng trong nước và nước ngoài không sớm được giải quyết, đây rất có thể là mồi lửa cho cơn sốt tỷ giá vào cuối năm. Trong suốt thời gian từ tháng 6 đến giữa tháng 9, tỷ giá trên thị trường tự do bình ổn sau hàng loạt biện pháp mạnh tay của NHNN (mua bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối, xử lý thị trường tự do...), nên phần nào đã trấn an tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân. Những người có nhu cầu mua ngoại tệ sẽ chưa vội vàng mua vào nếu chưa thực sự cần thiết. Tuy nhiên, nếu chênh lệch tỷ giá tự do và tỷ giá chính thức thiết lập sẽ tác động đến hành vi ứng xử của người dân. Lúc đó, người dân sẽ gom mua ngoại tệ vì e ngại tiếp tục tăng giá. Cần nhớ rằng thời điểm cuối năm là lúc các hợp đồng vay ngoại tệ bắt đầu đáo hạn, đồng thời nhu cầu ngoại tệ cũng tăng để đáp ứng hoạt động nhập khẩu. Một động thái khác khiến tâm lý nắm giữ USD xuất hiện trở lại là việc NHNN đang quyết tâm lập lại kỷ cương trần lãi suất VNĐ 14%/năm. Trong quý II và các tháng đầu quý III, do NHNN chưa kiên quyết xử lý tình trạng huy động VNĐ vượt trần lãi suất và đồng thời ấn định trần lãi suất huy động ngoại tệ xuống 2% nên đã tạo chêch lệch lớn trong lãi suất giữa VNĐ và USD. Với mức huy động VNĐ lên đến 18-19%/năm, chênh lệch lãi suất có thể lên đến 16%. Chính đây là nguyên nhân dẫn đến việc người dân bán ngoại tệ và chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VNĐ. Vì vậy NHNN đã mua vào hơn 5 tỷ USD bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, nếu như trong quý IV NHNN thực hiện chặt chẽ các biện pháp nhằm thực hiện đúng trần lãi suất VNĐ 14%, mức chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và USD sẽ bị thu hẹp, sẽ tác động đến hành vi ứng xử của người dân. |
CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI |
|
|